Việt Nam có vẻ như đang là điểm đến của nhiều ngôi sao ca nhạc và nghệ thuật thế giới, mặc dù ở bước đầu này chúng ta chỉ mới được đối diện với những hào quang đã lùi lại phía sau.
Điều đáng nói trong đêm nhạc Bob Dyland là trước khi chương trình của ông chính thức bắt đầu, ban tổ chức đã dành một giờ để biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn. Lý do không phải là đang trong những ngày đầu tháng Tư tưởng nhớ 10 năm nhạc sĩ họ Trịnh đi xa. Thế nhưng, một giờ nhạc Trịnh đã trở nên lạc lõng trước sự chờ đợi sốt ruột của các khán giả chỉ muốn được thấy Bob xuất hiện và nghe Bob hát. Âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh đã bị đặt vào một tình huống bẽ bàng. Trịnh thành kẻ “hát lót” cho Bob.
Tại sao như vậy? Có lẽ ở đây các nhà tổ chức buổi diễn của Bob Dyland ở Việt Nam đã mắc phải cái bệnh tư duy thường tình của người Việt ta là thích nhân danh, phô danh này nọ.
Bob là một ca sĩ phương Tây chuyên nghiệp. Chuyến lưu diễn thế giới của ông là một hoạt động chuyên nghiệp, không khoác thêm một cái danh nào khác, một mục đích nào khác, dù là cao cả hay cảm động. Không thể trách Bob trong đêm nhạc đã không một lần nhắc đến tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của Việt Nam. Trách là trách ai đã xướng lên rằng “Bob Dyland đến Việt Nam để tri ân Trịnh Công Sơn”.
Bob không biết đến Trịnh, Bob không cần đến Trịnh. Bob là Bob Dyland. Trịnh là Trịnh Công Sơn. Họ là hai nhạc sĩ cùng thời nhưng khác địa dư, văn hóa, khác âm nhạc. Họ không biết nhau. Việc quàng tên người này vào tên người kia tưởng là vinh danh một người, rốt cuộc đã làm đau một người.
Đây là một bài học đau cho chúng ta. Nhưng cái đau này thường xuyên diễn ra ở ta trong nhiều chuyện, nhiều lĩnh vực. Khi mà người ta cứ hay long trọng khoác những cái tên to tát, những mục đích to lớn của một việc này cho một việc khác, bất kể chúng không ăn nhập gì với cái đang diễn ra. Và hơn hết, khi người ta cứ cố tình tìm mọi cách gắn buộc một chương trình, một nhân vật nước ngoài đến Việt Nam với một cái gì đó ở trong nước để nghĩ đó là vinh danh đất nước mình, dân tộc mình. Cần nên chấm dứt những “khi mà” như thế.
Phạm Xuân Nguyên