Dân Việt

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5.2014: Tổ quốc phải được đặt lên trên hết

Hải Phong 29/05/2014 20:30 GMT+7
Lập trường của Đảng và Nhà nước ta xuyên suốt thời gian qua trước sau như một. Sự toàn vẹn lãnh thổ chính là “dĩ bất biến”, không thể đánh đổi bằng bất kỳ thứ gì khác. Tổ quốc phải được đặt lên trên hết.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, tổ chức cuối giờ chiều nay, 29.5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã trả lời câu hỏi về ý nghĩa của thông điệp trong bài trả lời của Thủ tướng với báo chí nước ngoài tại Philippines, khi Thủ tướng nói rằng “Việt Nam không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lấy hoà bình hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

"Trong các chuyến đi nước ngoài, Thủ tướng luôn đề cao khả năng tiếp cận với bạn bè quốc tế để nói cho các bạn hiểu, khẳng định với các bạn về sự cương quyết đấu tranh với hành vi sai trái của Trung Quốc, nhưng trên phương châm của Bác Hồ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên phân tích.

img

Về việc Việt Nam đã tính tới các biện pháp pháp lý đối với Trung Quốc trong thời gian tới ra sao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Hiện nay chúng ta vẫn phải cân nhắc để lựa chọn một giải pháp thật sự cần thiết và phù hợp. Cốt sao có lợi nhất cho đất nước”.

Trước câu hỏi Việt Nam có liên kết với nước thứ 3 (như Philippines) khi sử dụng các biện pháp pháp lý với Trung Quốc, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) cho biết: Chính sách nhất quán của Việt Nam là độc lập tự chủ, không liên minh liên kết với ai để chống ai. Nhưng trong đấu tranh pháp lý, tình hình rất phức tạp, có nhiều hình thức đấu tranh. Ngay cả toà án cũng có nhiều toà, hình thức kiện cũng có nhiều kiểu… Với nhiệm vụ được phân công, chúng tôi cũng nghiên cứu tất cả các hình thức để tìm ra phương án tối ưu nhất, bảo vệ bằng được các lợi ích chính đáng của chúng ta. Việc có sử dụng pháp lý hay không cũng là để bảo vệ lợi ích của ta.“Thủ tướng nói, điều tôi nói ra không có gì mới, chỉ là thể hiện tinh thần của Đảng và Nhà nước ta xuyên suốt thời gian qua, cho quốc tế thấy rõ quan điểm, lập trường, bản lĩnh của chúng ta trước sau như một. Sự toàn vẹn lãnh thổ chính là “dĩ bất biến”, là không thể đánh đổi bằng bất kỳ thứ gì khác. Tổ quốc phải được đặt lên trên hết”, Bộ trưởng Nên giải thích.


Với giải thiết thời gian tới, Trung Quốc vẫn không chịu rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam thì Việt Nam sẽ làm gì, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định: Thủ tướng vẫn nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, dù tới nay các biện pháp này chưa có kết quả. Nhưng chúng ta vẫn kiên trì đấu tranh trên mặt trận ngoại giao bằng nhiều cách, sẽ phải làm rộng hơn, kiên quyết hơn nhưng không để kẻ xấu kích động, tạo sơ hở để Trung Quốc lợi dụng và vu cáo.

Về mối bang giao giữa Việt Nam với Trung Quốc thời gian tới, Bộ trưởng Nên cho biết đến giờ này kinh tế thương mại của Việt Nam phát triển bình thường. “Nhân dân cả hai nước mong muốn sự ổn định và hoà bình để yên ổn làm ăn, vì thế chúng ta chưa tính tới việc thay đổi chính sách ngoại giao với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường và họ cũng thể hiện mong muốn giữa hai nước sớm có sự ổn định trở lại”, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ.

Về các giải pháp để bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin: Không phải tới giờ, Đảng, Chính phủ cũng như các bộ ngành nghĩ tới các biện pháp tránh việc phụ thuộc quá vào một thị trường. Chúng ta đã có nhiều biện pháp như tăng xuất siêu, giảm nhập siêu. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 28,2% là một dấu hiệu tốt. Ngoài ra, chúng ta phải tăng cường sản xuất trong nước với các nguyên phụ liệu da giày, dệt may, máy móc… và đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Cũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Chính phủ đã thảo luận về dự thảo Nghị định phát triển thủy sản đến năm 2020, trong đó có nội dung quan trọng là hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu sắt để đánh bắt xa bờ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ sẽ sớm thông qua dự thảo Nghị định.

“Tinh thần của Nghị định là cho vay ưu đãi để ngư dân làm tàu sắt đánh bắt xa bờ, hiệu quả hơn và an toàn. Người đi vay có thể thế chấp thân tàu và có bảo hiểm, khi có rủi ro xảy ra, Nhà nước có chính sách đặc biệt để người dân yên tâm tiếp tục ra khơi đánh bắt và bảo vệ biển đảo của ta”, Bộ trưởng Nên nhấn mạnh.

Hơn 30 cuộc giao thiệp với Trung Quốc

Các biện pháp đấu tranh hòa bình được Thủ tướng yêu cầu bao gồm: Sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam; Đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam; Đấu tranh bằng dư luận, thông tin trung thực cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi xâm phạm của Trung Quốc cũng như các biện pháp đấu tranh hòa bình của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Trước đó, sáng cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2014. Nhận định về vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ nêu rõ: Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. “Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong gần 1 tháng qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”, Thủ tướng khẳng định.

Trước sự việc này, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại; đến nay đã có hơn 30 cuộc giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời và chỉ đạo kiên quyết, kiên trì đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Về các biện pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình bằng biện pháp hòa bình”. Thủ tướng cũng cho biết: “Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình, lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình”.

Về vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, lại đều là thành viên của WTO và các Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực; là hai nước láng giềng có nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nên hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam - Trung Quốc là hoàn toàn tự nhiên trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc; đồng thời Việt Nam đang triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, mở rộng thị trường, đàm phán và tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác tác mới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới. Việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả các đối tác trên thế giới nhằm giảm rủi ro, lệ thuộc của Việt Nam vào một thị trường nhất định, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.