Hình ảnh cô giáo và học sinh chui vào bao nylon để được kéo qua suối đến trường từng gây sốc trong dư luận. Một phương tiện vận tải đường sông sáng tạo nhất - có lẽ chỉ có ở Việt Nam - đã làm cho cả thế giới kinh ngạc.
Còn lãnh đạo ngành giao thông Việt Nam giật mình khi nhìn thấy “phương tiện” đi lại ấy của người dân ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nầm Pồ, tỉnh Điện Biên.
Quyết định nhanh chóng và dứt khoát nhất – xây một chiếc cầu treo bắc qua suối Nậm Pồ - được chính Bộ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải Đinh La Thăng đưa ra.
Và cũng nhanh chóng không kém trong việc thi công, chỉ sau 1 tháng, ngày 5.5, chiếc cầu treo dài 100m, rộng 1,5m, tải trọng 30 tấn được áp dụng công nghệ mới như kết cấu thép chịu được mô-men xoắn, không rung lắc; hệ mặt cầu tạo ra những gân tăng cứng chịu được tải trọng lớn... đã khánh thành.
Từ nay, sẽ không còn bóng dáng những chiếc túi nylon mang theo người di chuyển qua suối nữa.
Nhưng đó là sự chấm dứt những chiếc túi nylon trên suối Nậm Pồ, còn hàng trăm địa chỉ khác cần chấm dứt các thảm cảnh người dân, học sinh bị nước cuốn trôi vì phải lội qua suối hay đu dây qua sông. Nước ta không chỉ có một Nậm Pồ mà người dân sáng tạo phương tiện đường thủy độc đáo là túi nylon, có thể còn nhiều nơi khác có những sáng tạo tương tự như thế, nhưng chưa đến được tai, chưa tận được mắt các vị lãnh đạo và các bộ, ngành mà thôi.
Xin đơn cử, giữa tháng 4 vừa qua, 7 học sinh ở xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu lội qua sông Nậm Mu đến trường đã bị nước cuốn trôi, 6 em được người dân cứu, 1 em mất tích. Những cái chết đau lòng này không dừng lại, nó vẫn đang tiếp tục treo lơ lửng trên đầu người dân ở những vùng xa khắp nơi trên đất nước này.
Hỏi vì sao không xây cầu cho dân đi, câu cửa miệng của lãnh đạo các địa phương là không có kinh phí! Chấm hết.
Kinh phí xây một chiếc cầu treo có thiết kế như cầu qua suối Nậm Pồ chỉ khoảng từ 3 – 5 tỷ đồng, nhưng bao nhiêu năm không làm được. Người ta đến khảo sát rồi đi, những lời hứa xây cầu cho dân như nước trôi theo dòng, không thấy trở lại.
Vốn xây chiếc cầu treo nho nhỏ cho dân vùng sâu vùng xa không có, trong lúc nhiều công trình giao thông khác, chỉ cần điều chỉnh một “tí” là đội vốn vài trăm triệu USD, có công trình điều chỉnh một “tí” là phải thêm hàng nghìn tỷ đồng.
Đội vốn hàng trăm triệu USD “chẳng có gì phải ồn ào”, thì không xây một vài cây cầu nho nhỏ cũng chẳng có gì phải ầm ĩ. Dân không đi trên cầu thì lội qua suối, thì đu dây qua sông. Bao đời nay vẫn thế, nước cuốn trôi vài mạng người hay hơn thế nữa cũng... bình thường. Bởi vì dân chết vì tai nạn giao thông đường bộ mỗi năm cả chục ngàn người. Chết vì nước cuốn trôi so với tai nạn giao thông đường bộ, đúng là chỉ bằng một “tí”.