Dân Việt

Kêu gọi nghị viện các nước lên tiếng ủng hộ Việt Nam

Hải Phong (ghi) 22/05/2014 15:00 GMT+7
"Về phía Việt Nam, chúng ta vẫn phải kiên trì và kiên quyết. Phải tùy tình hình diễn biến để đưa ra những đối sách phù hợp. Chúng ta thận trọng, không được nóng vội vì việc này cả thế giới quan tâm rồi".
Ông Trần Văn Hằng -Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khẳng định như vậy bên hàng lang Quốc hội sáng nay (22.5)khi trao đổivề tình hình hiện nay trên Biển Đông.

img
Ông Trần Văn Hằng -Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội

Phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ hôm qua có đề cập tới tình hình Biển Đông. Phản ứng của chúng ta về việc này thế nào, thưa ông?

- Cái này Ủy ban và Chính phủ đã trao đổi trước rồi sau đó chúng ta mới vận động nghị viện, quốc hội các nước. Vừa rồi trong buổi gặp gỡ lãnh đạo Quốc hội của các nước thuộc ASEAN, lãnh đạo Quốc hội VN được đề cử làm trưởng đoàn và chúng tôi cũng đã phát biểu về vấn đề này. Trước hết chúng ta lên án hành động đócủa Trung Quốc(hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam - PV) và phải đấu tranh, lên tiếng liên tục trong nhiều ngày để Quốc hội các nước hiểu.

Hôm qua, Quốc hội đã ra thông cáo rất mạnh mẽ về Biển Đông, tuy nhiên nhiều Đại biểu cho rằng Quốc hội cần có một thông báo chính thức hơn như việc ra một Nghị quyết riêng chẳng hạn?

- Hiện nay chúng ta chưa có ý định này vì sự việc vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp khó lường, như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu trong buổi khai mạc. Thế nên mình phải theo dõi hết sức chặt chẽ mọi diễn biến và tùy tình hình để có phản ứng phù hợp. Nói chung là phải tiến hành từng bước nhưng thái đội phải kiên quyết.

Thêm nữa, dù chúng ta đã có khoảng 20 buổi làm việc với phía Trung Quốc nhưng họ vẫn bất chấp và hung hăng, thái độ ngông cuồng. Về phía Việt Nam, chúng ta vẫn phải kiên trì và kiên quyết. Phải tùy tình hình diễn biến để đưa ra những đối sách phù hợp. Chúng ta thận trọng, không được nóng vội vì việc này cả thế giới quan tâm rồi.

Tôi vừa nhận được tuyên bố của một nhóm nghị sĩ hữu nghị vào tối hôm qua. Nhóm nghị sĩ gồm nhiều đảng phái khác nhau đã tuyên bố rất quan ngại về vấn đề này và đề nghị phải xử lý bằng các biện pháp hòa bình.

Chúng ta có quan tâm tới ngoại giao với nghị viện phía Trung Quốc trong vấn đề này chưa thưa ông?

- Có chứ. Với Trung Quốc, chúng ta đã đề xuất rất nhiều biện pháp tăng cường giao lưu để trao đổi, hiểu nhau sâu hơn và quan tâm đến những vấn đề chung của hai nước. Chúng tôi cũng đón một đoàn của Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc. Các thành viên trong đoàn cũng rất thiện chí và có yêu cầu cấp thiết là Quốc hội hai bên cần tập trung trao đổi, giao lưu. Tuy nhiên, riêng về vấn đề Biển Đông, có thể họ đã có chủ trương là không cho gặp, không trao đổi nên lãnh đạo cấp cao mình đã đề xuất điện đàm trao đổi mà họ vẫn từ chối.

Ngày 28.5 tới đây, chúng ta sẽ có cuộc gặp với đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ. Phía Việt Nam có gửi thông điệp gì về vấn đề này không thưa ông?

- Ngày 28.5, Chủ tịch tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương của Uỷ ban Đối ngoại thượng viện Hoa Kỳ sẽ sang thăm Việt Nam với nhiều nội dung, trong đó có nội dung bàn về tình hình Biển Đông. Chúng ta sẽ thể hiện thái độ kiên quyết của mình trong việc này. Thứ nữa chúng ta luôn khẳng định đó là chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam và không bao giờ khoan nhượng, lùi bước, đồng thời kêu gọi nghị viện các nước cùng lên tiếng ủng hộ.

Xin cảm ơn ông