Dân Việt

Nguyên Đại sứ VN tại LHQ: Việt Nam có quyền đưa vấn đề ra LHQ

Đăng Thúy (thực hiện) 13/05/2014 07:05 GMT+7
Việt Nam có quyền đưa vấn đề Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và hung hăng tấn công các tàu của Việt Nam ra tòa án quốc tế và ra Liên Hợp Quốc.
“Việt Nam có quyền đưa vấn đề Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương (HD) 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và hung hăng tấn công các tàu của Việt Nam ra tòa án quốc tế và ra Liên Hợp Quốc. Cả hai cánh cửa này đều mở” - ông Ngô Quang Xuân (ảnh), nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc khẳng định khi trả lời phỏng vấn của NTNN ngày 12.5.

Ông Ngô Quang Xuân (ảnh), nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc
Ông Ngô Quang Xuân (ảnh), nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc

Thưa ông, về mặt pháp lý, chúng ta đang có hai cánh cửa để ngỏ, đó là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và đưa vấn đề Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ, đe dọa đến an ninh quốc gia Việt Nam ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). Là người có kinh nghiệm lâu năm trên diễn đàn đa phương này, ông nhận định khả năng đó như thế nào?

- Hiện nay dư luận quốc tế đang rất quan tâm đến vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm Công ước về Luật Biển năm 1982. Dư luận quốc tế đang phẫn nộ về hành động này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái này đối với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Việc đưa giàn khoan và điều tàu quân sự, máy bay quân sự vào vùng biển, vùng trời Việt Nam đe dọa an ninh quốc gia Việt Nam và hòa bình trong khu vực châu Á và cả thế giới, đe dọa đến hòa bình, tự do, an toàn hàng hải quốc tế.

Người dân tuần hành tại Hà Nội ngày 11.5 mong muốn đưa vụ việc ra tòa án quốc tế.
Người dân tuần hành tại Hà Nội ngày 11.5 mong muốn đưa vụ việc ra tòa án quốc tế.

Tôi đã làm ở LHQ trong một thời gian rất dài và đã tham gia rất nhiều các cuộc họp ở LHQ, tôi thấy rằng, Điều 24 của Hiến chương LHQ đã giao cho Hội đồng Bảo an trách nhiệm gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo hòa bình, giải quyết xung đột và an ninh quốc tế, nếu cần thiết thì có thể dùng các biện pháp cưỡng chế và kể cả dùng vũ lực nhằm loại trừ các mối đe dọa, phá hoại hòa bình, an ninh. Các Điều 34, 41, 42 của Hiến chương cũng nêu rõ mục tiêu của những biện pháp này là nhằm vào những hành động phá hoại hòa bình, an ninh, các hành động xâm lược trái với Hiến chương của LHQ.

Hiến chương LHQ cũng quy định, một nước thành viên LHQ có thể đưa một vấn đề ra Hội đồng Bảo an bị đe dọa đến an ninh của nước đó hoặc của khu vực, với điều kiện nước đó là một bên nằm trong tranh chấp. Việt Nam là thành viên của LHQ từ năm 1977, chúng ta hoàn toàn có quyền đưa vấn đề ra LHQ.

Thưa ông, khả năng thành công khi chúng ta đưa vấn đề ra LHQ sẽ như thế nào?

- Chúng ta phải cân nhắc đưa ra ở mức độ nào. Chúng ta cũng có quyền đưa ra trọng tài, tòa án quốc tế về vấn đề Trung Quốc vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Tôi nghĩ rằng, với tình hình hiện nay, chúng ta đang đứng trước một yêu cầu rất cấp bách là việc Trung Quốc đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh khu vực, đe dọa và cản trở an toàn và tự do hàng hải quốc tế. Việc Trung Quốc khoanh vào và đưa giàn khoan sang khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa đến chủ quyền biển đảo, an ninh hàng hải là hành động không thể chấp nhận được.

Tôi cho rằng, lãnh đạo Trung Quốc nếu cân nhắc được cái lợi hại thì họ có thể tính được hậu quả của nó. Rất đáng tiếc họ đang thực hiện âm mưu thôn tính lâu dài của Trung Quốc là xâm chiếm 80% Biển Đông. Tuy nhiên, việc nhắm vào một nước láng giềng như Việt Nam, lúc nào cũng mong muốn hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, nhưng không bao giờ khuất phục trước mọi hiểm họa xâm lăng thì đây là tính toàn quá sai lầm và liều lĩnh.

Đặt giả thiết Việt Nam đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an, Trung Quốc sẽ sử dụng quyền phủ quyết (Veto) của mình ra sao, thưa ông?

"Chúng ta có hai cánh cửa để lựa chọn. Một là đưa ra Tòa án quốc tế, hai là đưa ra Hội đồng Bảo an. Chúng ta có quyền yêu cầu và LHQ phải áp dụng. Đặc biệt, LHQ có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để bảo đảm an ninh, hòa bình”.
Ông Ngô Quang Xuân

- Thứ nhất, khi chúng ta đưa vấn đề này ra, các cơ chế quốc tế có nhiệm vụ phải tiếp thu vấn đề. Còn phản ứng của Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ phản đối. Hiện nay họ đang hung hăng, bóp méo sự thật - điều mà quốc tế đã quá rõ và không ai tin vào những lý lẽ của Trung Quốc, trừ những người dân Trung Quốc đang bị chính quyền họ bưng bít và xuyên tạc sự thật như họ thường làm từ trước đến nay.

Tuy nhiên, theo quy định ở Hội đồng Bảo an, Trung Quốc là một nước lớn, 1 trong 5 nước thường trực của Hội đồng Bảo an, họ có quyền phủ quyết. Như vậy, quyền phủ quyết này được sử dụng khi nào? Đó là khi Hội đồng Bảo an ra nghị quyết hay một quyết định đòi hỏi phải bỏ phiếu về một vấn đề nào đó, và khi Trung Quốc dùng quyền phủ quyết thì vấn đề đó không được thông qua. Nhưng chúng tôi nhiều năm làm việc ở LHQ, chúng tôi cho rằng, quyền phủ quyết này không nhiều khi công bằng, cũng chính vì vậy mà đa số các nước thành viên yêu cầu LHQ phải cải tổ.

Trung Quốc vẫn bảo thủ với quan điểm giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng đàm phán song phương, không đưa ra các diễn đàn đa phương, thực ra là cách để họ “bẻ từng chiếc đũa”. Nhưng với Việt Nam, chúng ta tham gia Công ước về Luật Biển năm 1982, chúng ta là thành viên của LHQ, và đặc biệt Quốc hội Việt Nam khóa 13 cũng thông qua Luật Biển nên Việt Nam phải tận dụng các cơ hội đa phương này, đưa vấn đề ra dư luận quốc tế là biện pháp rất công bằng.

Xin cảm ơn ông!