Dân Việt

Sông Kinh Thầy “sinh” tỷ phú

18/04/2011 19:10 GMT+7
(Dân Việt) - Từ thành công nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy của anh Thiện, giờ đây đã có hàng chục hộ nuôi cá, mỗi năm cung cấp cho thị trường 300- 350 tấn cá, thu về hàng chục tỷ đồng...

Phong trào nuôi cá ở Nam Sách có từ những năm 1990, nhưng chủ yếu nuôi quy mô nhỏ, ao, hồ của hộ gia đình, thức ăn dựa vào thiên nhiên là chính.

Người tiên phong

img

Lồng cá được đóng bằng khung ống kẽm, vây lưới chịu nước.

Sông Kinh Thầy có nguồn nước khá sạch, năm 2008, anh Trần Văn Thiện, thôn Trung Hà (xã Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương) đã gạt phăng những lời gàn của gia đình, "liều" đưa cá ao thả vào lồng tre và gỗ, dùng lưới vây xung quanh rồi "vứt" thử xuống sông Kinh Thầy. Chưa có kinh nghiệm, phần bị cá chết, rồi lưới rách; cá chui hết ra sông, anh thất bại!

Anh vào ĐBSCL học cách nuôi cá của người dân nơi đây. Năm 2009, có lưng vốn, anh đóng thử 2 lồng bằng ống kẽm, vây lưới chịu nước, rồi dùng phuy nhựa làm phao để thả cá. Sau gần 5 tháng, anh xuất gần 4 tấn lứa cá trắm đen, cá diêu hồng đầu tiên, thu gần 200 triệu đồng. Tự tin, anh đầu tư thêm 15 lồng bè nữa.

Anh Thiện cho biết, trung bình đầu tư 1 lồng 36m3, khoảng 18 - 20 triệu đồng, nuôi 6-7 tấn cá/lồng/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa). Mỗi lồng thả khoảng 10 - 12 vạn cá giống, nuôi 5 tháng thì xuất, trọng lượng từ 0,8 - 1,2kg/con.

"Lúc đầu, tôi chỉ nuôi trắm đen, trôi, sau thấy trắm giòn, chép giòn, diêu hồng và chép Nhật, thị trường đang rất chuộng, giá trị kinh tế cao, tôi chuyển sang nuôi các loại cá này. Hiện giá cá diêu hồng khoảng 60.000 đồng/kg, trắm giòn, chép giòn từ 120-200.000 đồng/kg, còn chép Nhật bán theo con làm cảnh là chính, giá từ 700.000 đến 5 triệu đồng/con. Nuôi cá lồng tuy đầu tư lớn, nhưng nếu nuôi đúng kỹ thuật, chỉ sau một vụ cá là thu vốn về"- anh Thiện chia sẻ.

Năm 2010, trừ chi phí lồng bè, thức ăn… anh lãi 800 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, với lương 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Đầu tháng 4.2011, chúng tôi đến thăm, anh đang tiếp tục đóng 30 cái lồng. "Nếu mưa thuận, gió hòa, với gần 50 lồng cá, giá cá như hiện nay, năm nay chắc chắn tôi có tiền tỷ" - anh Thiện tính.

Và những tỷ phú

Đầu nguồn sông có mấy nhà máy, nếu địa phương không quản lý chặt chẽ, thì nước sông ô nhiễm là khó tránh khỏi. Nếu bảo vệ tốt con sông này, nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy là hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo, làm giàu.

Bà Vũ Thị Liên - Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Sách cho biết: "Nam Sách có hơn 400ha diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, trong đó Nam Tân là xã phát triển mạnh nhất, với khoảng 130- 140ha, mỗi năm thu từ 600 - 800 tấn cá, chiếm khoảng 30% sản lượng thuỷ sản của huyện. Từ thành công của mô hình anh Thiện, chúng tôi đang nhân rộng ra các xã lân cận".

Đến nay, Nam Tân có hơn chục hộ nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy. Cách lồng cá anh Thiện không xa là lồng cá của ông Nguyễn Trung Tựu, anh Trần Huy Tín… Ông Nguyễn Trung Tựu - nguyên Chủ tịch xã Nam Tân, sau khi nghỉ hưu đã đầu tư 20 lồng bằng ống kẽm nuôi cá.

"Tính ra, tôi bỏ xuống sông gần 1 tỷ đồng rồi! Mình chưa có kinh nghiệm, nên cá không "đẹp" như cá của anh Thiện, nhưng cuối vụ chắc cũng phải hơn chục tấn" - ông Tựu dự đoán.

Là người có thâm niên 22 năm nuôi cá, anh Tín có 22 lồng bè. Anh tiết lộ: "Năm 2010, mình thả ít, nên được có gần hai chục tấn cá diêu hồng, cá trắm giòn và chép giòn, bán được hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn gần 600 triệu đồng lãi. Dạo này, thương lái gọi điện liên tục, nhưng không có cá mà bán" .

Bà Liên bảo, với diện tích mặt nước sông Kinh Thầy, hàng trăm hộ có thể nuôi cá. Song, lo nhất là ô nhiễm. “Nước sông Kinh Thầy rất thích hợp cho việc nuôi cá sạch. Nhưng đầu nguồn sông có mấy nhà máy, nếu địa phương không quản lý chặt chẽ, thì nước sông ô nhiễm là khó tránh khỏi. Nếu bảo vệ tốt con sông này, nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy là hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo, làm giàu" - ông Bùi Đức Chỉnh - Chủ tịch UBND xã Nam Tân khẳng định.