Dân Việt

Rỗng ruột

18/04/2011 16:29 GMT+7
(Dân Việt) - Báo NTNN đưa phóng sự ảnh về những hộ dân ở bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa vào rừng chặt cây làm rẫy. Những cánh rừng lần lượt ngã xuống, một phần bị đốt cháy, một phần bị cưa xẻ đem bán. Rừng xanh biến thành đồi trọc, thật đau xót và sợ hãi.

Những cánh rừng quý giá như vàng được thay bằng nương sắn, rẫy ngô. Các loại hoa màu đó cũng không cứu được người dân khỏi đói nghèo, chỉ để lại những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp gần kề. Dân phá rừng công khai, kéo gỗ ra bán cho thương lái giữa thanh thiên bạch nhật, phóng viên vào tận nơi chụp ảnh đăng báo, còn kiểm lâm và các ngành chức năng khác của địa phương không thấy tăm hơi. Giải thích điều này ra sao, nếu chính quyền không nắm được tình hình thì do quản lý kém, nhưng biết mà không ngăn chặn được thì quả thực đã bất lực.

Không chỉ ở Thanh Hóa, rừng của nhiều địa phương khác cùng chung số phận. hàng vạn ha rừng ở các tỉnh Tây Nguyên đã bị hạ sát. Đi dọc theo đường Hồ Chí Minh, nhìn bên ngoài còn thấy rừng, nhưng đó là vỏ, bên trong ruột đã rỗng hết, chỉ còn trơ những cánh đồng sắn và cao su. Người dân đốt rừng làm rẫy, lâm tặc phá rừng lấy gỗ. Không ít người phá rừng vì hai mục đích, vừa lấy đất trồng trọt vừa lấy gỗ bán.

Một Tây Nguyên xanh thẳm đang bị phá tan tành. Mới đây, tại Vườn quốc gia Yôk Đôn (Đăk Lăk) xảy ra vụ chặt rừng quy mô lớn. số lượng gỗ quý bị lâm tặc cưa hạ trị giá hàng tỷ đồng. Đây là vườn quốc gia, có kiểm lâm bảo vệ, tuần tra, nhưng lâm tặc vẫn "khai thác" gỗ được, thì rừng ở đất nước ta rất không an toàn.

Xem xét hai đối tượng phá rừng sẽ thấy sự tàn phá và hậu quả rất khác biệt. Đối với lâm tặc, dù liều lĩnh đến mấy thì chúng cũng làm lén lút. Lâm tặc chỉ chọn những cây gỗ có giá trị để khai thác. Nếu bị phát hiện, lâm tặc bị bắt giữ, xử lý theo pháp luật. Nhưng đối với người dân, phá rừng làm nương rẫy là đốt cả cánh rừng, thậm chí cháy lan sang các khu rừng khác. Toàn bộ cánh rừng bị tàn phá hết, trơ lại những đồi trọc. Nhiều nơi dân nghèo đốt rừng công khai, đi từng đoàn từ già đến bé. Thật khó bắt giữ hay xét xử được họ.

Cho nên, ngăn chặn nạn phá rừng không phải chỉ bằng lực lượng kiểm lâm hay các công cụ pháp luật, mà phải ổn định được đời sống, việc làm cho người dân vùng nông thôn, miền núi. Người dân phá rừng là lỗi người dân, nhưng chính quyền cũng có trách nhiệm khi để cho một bộ phận dân chúng thất nghiệp, nghèo đói. Nếu như người dân có việc làm ổn định, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần được nâng cao thì chắc chắn không ai đi phá rừng kiếm kế sinh nhai như đang xảy ra.