Dân Việt

Đập Xayabouri đe dọa tàn phá môi trường

19/04/2011 06:03 GMT+7
(Dân Việt) - Con đập được dự kiến xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mekong và đang gây lo lắng cho nhiều nước về những nguy hại mà nó đem lại.

Hôm nay (19.4), chính phủ các nước bên dòng sông Mekong sẽ quyết định số phận của đập Xayabouri, phía bắc Lào.

Tờ Bưu điện Bangkok của Thái Lan cho biết, Lào và đối tác xây dựng Thái Lan là Tập đoàn Ch. Kancharng đang thúc đẩy thi công các công trình xung quanh khu vực dự kiến xây dựng Dự án thủy điện Xayabouri Mekong, cho dù dự án này chưa được Ủy ban sông Mekong (MRC) chính thức chấp thuận.

img
Cuộc sống của người dân trên dòng Mekong sẽ bị ảnh hưởng nếu xây đập Xayabouri.

Âm thầm triển khai xây dựng

Nhóm điều tra của tờ báo này đã phát hiện Tập đoàn Ch. Kancharng, đơn vị trúng thầu xây dựng Dự án thủy điện Xayabouri, đang hối hả thi công các con đường dẫn tới địa điểm xây dựng dự án và dân chúng địa phương cũng đang chuẩn bị di dời.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, công trình làm đường đã diễn ra trên một đoạn chiều dài hơn 30km, nối bản Ban Nara với các bản Ban Talan và Ban Houay Souy gần địa điểm xây dựng dự án thủy điện. Dân chúng địa phương cho hay tuyến đường này đã được khởi công xây dựng từ cách đây 5 tháng, có nghĩa nó được bắt đầu 1 tháng sau khi Chính phủ Lào đệ trình tài liệu nghiên cứu tác động của dự án lên MRC.

Hoạt động san lấp đang diễn ra nhộn nhịp với sự tham gia của nhiều máy ủi, máy xúc và xe tải cỡ lớn mang biểu tượng của Tập đoàn Ch.Kancharng và Công ty Điện lực Xayabouri Power - công ty con do Ch.Kancharng thành lập để đảm đương Dự án Xayabouri.

Cuối tuyến đường gần về phía dự án thủy điện cũng đã xuất hiện các máy móc hạng nặng, các bồn chứa nhiên liệu và máy trộn xi măng cỡ lớn. Người Lào từ một số địa phương khác đã tìm tới đây để kiếm sống bằng việc xin làm công nhân xây dựng, mở các cửa hàng ăn uống và các cửa hiệu bán rau và hoa quả.

Nhóm điều tra cũng phát hiện công tác di dân đã bắt đầu diễn ra. Tại làng Ban Nara, cách bến tàu Tha Dua khoảng 17km, nơi người dân thường đi qua sông Mekong để đến Xayabouri, có một con đường 2 làn xe đầy ổ gà chạy song song với dòng sông. Nhưng con đường chạy về Ban Talan và Ban Houay Souy men theo triền núi lại được mở rộng từ 5m ra 8m với mặt đường láng cứng. Người dân nơi đây cũng cho biết, họ đã nhận được đề nghị sẽ đền bù cho mỗi người dân 15 USD phí di dời, tái định cư.

Tiếp tục lo ngại cho môi trường

Trong tháng 9.2010, Chính phủ Lào đã chính thức đề nghị MRC bắt đầu tiến trình tham vấn và xem xét thông qua Dự án thủy điện Xayabouri, khởi đầu cho 11 dự án thủy điện khác sẽ được xây dựng trên hạ nguồn sông Mekong. Trong khi đó, báo chí Campuchia ngày 18.4 dẫn lời Tổng Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc gia Campuchia Te Navuth kêu gọi Lào hoãn xây dựng đập thủy điện Xayabouri.

Theo các nhà khoa học thuộc mạng lưới sông ngòi Việt Nam, đối với ĐBSCL của Việt Nam, việc xây đập Xayabouri và 11 bậc thang khác trên dòng chính hạ lưu vực sông Mekong sẽ đe dọa trực tiếp tới đời sống của gần 20 triệu dân ĐBSCL hiện nay và các thế hệ tương lai, đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia và khu vực.

Lời kêu gọi trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Jim Webb cảnh báo rằng dự án trị giá 3,8 tỷ USD này sẽ gây “hậu quả tàn phá” môi trường trong khu vực Đông Nam Á.

Hiện Ủy hội sông Mekong quốc gia Campuchia cho biết, lời kêu gọi của nước này sẽ được chuyển tới Chính phủ Lào trong cuộc họp mang tính quyết định về việc xây dựng đập Xayabouri, dự kiến diễn ra từ ngày 19.4 tại thủ đô Viêng Chăn của Lào, với sự tham dự của các đoàn đại biểu Campuchia, Thái Lan, Việt Nam. Tổng Thư ký Te Navuth nói rằng, Dự án đập Xayabouri sẽ tàn phá đa dạng sinh học, đặc biệt là nguồn cá ở khu vực hạ lưu con đập, đồng thời ông cũng nêu ra nhiều quan ngại của các chuyên gia và nhà môi trường đối với dự án này.

Ngày 18.4, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng sông Mekong trong đó có đập Xayabouri, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định, sông Mekong là một dòng sông quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các nước ven sông...

Việt Nam mong muốn các quốc gia có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể những tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong trước khi đưa ra quyết định triển khai xây dựng các công trình này.