Dân Việt

Ông Nguyễn Sinh Hùng trúng cử Chủ tịch Quốc hội

23/07/2011 16:51 GMT+7
Dân Việt - Chiều 23.7, Quốc hội đã bầu Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIII. Ông Nguyễn Sinh Hùng trúng cử với 457/498 phiếu thuận, chiếm 91,4% số phiếu
img
Giây phút chuyển giao giữa Chủ tịch Quốc hội khóa XII và khóa XIII. Ảnh: Sỹ Lực

Bốn Phó chủ tịch Quốc hội (QH) đắc cử gồm bà Tòng Thị Phóng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Uông Chu Lưu và ông Huỳnh Ngọc Sơn.

Ông Nguyễn Sinh Hùng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI, là ĐBQH và UVTƯĐ 4 khóa liên tiếp. Tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII, ông Nguyễn Sinh Hùng là đại biểu đạt tỉ lệ phiếu bầu cao nhất (95,51%). Ông Nguyễn Sinh Hùng (sinh năm 1946, ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), là tiến sĩ kinh tế.

Theo kết quả kiểm phiếu chiều nay, 23.7, ông Nguyễn Sinh Hùng trúng cử với 457/498 phiếu thuận, chiếm 91,4% số phiếu; bà Tòng Thị Phóng đạt 95,8% số phiếu, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được 96,6% số phiếu, ông Uông Chu Lưu 98,4% số phiếu, ông Huỳnh Ngọc Sơn là 98% số phiếu.

12 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác cũng trúng cử là:

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước (tái cử); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý (đương nhiệm Phó Chủ nhiệm); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện (Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (đương nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển (tái cử); Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa (đương nhiệm Phó Chủ nhiệm); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng Đào Trọng Thi (tái cử); Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai (tái cử).

img
Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra mắt Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Sỹ Lực

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng (đương nhiệm Phó Chủ nhiệm); Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng (đương nhiệm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương); Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (đương nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình); Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương (Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương).

Các vị trí trên đều được tín nhiệm, với số phiếu đạt tỷ lệ cao, từ hơn 80 % trở lên.

Trước đó, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội về danh sách những người được bầu vào vị trí đứng đầu Quốc hội. Báo cáo cho thấy, các đoàn đại biểu Quốc hội nhất trí cao với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII.

Cũng có một số ý kiến giới thiệu các nhân sự khác hoặc hoán đổi một số vị trí. Tuy nhiên, sau đó những người được đề cử đã tự xin rút khỏi danh sách. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên những vị trí đã được đề cử ban đầu.

Một điểm khác so với danh sách đề xuất là Quốc hội đồng ý bổ sung ông Nguyễn Văn Phúc (đương nhiệm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII) ứng cử vào vị trí trưởng ban Dân nguyện. Như vậy, vị trí này có hai người được đề cử là ông Nguyễn Văn Phúc và ông Bùi Văn Cường. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm phiếu, cả hai ứng cử viên này đều không đủ số phiếu quá bán nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ bầu được 17 người, ít hơn một người so với dự kiến.

Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII. Ngay sau đó, tân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII phát biểu nhậm chức và điều khiển các phiên họp tiếp theo. Công việc đầu tiên của khóa mới là UB Thường vụ QH sẽ nhóm họp chuẩn bị danh sách đề cử QH bầu Chủ tịch nước.