Một số nghiên cứu đã ghi nhận trái cherry có tác dụng giúp bệnh nhân bị gút giảm các cơn đau; giảm cơn cao huyết áp; mang lại giấc ngủ ngon và lâu hơn… |
Anh đào là tên gọi chung để chỉ một số loài cây có quả hạch, chứa một hạt cứng. Anh đào thuộc họ Rosaceae, chi Prunus. Tiếng Anh gọi các loài anh đào là cherry, còn tiếng Pháp là cerise. Trong khi tên gọi sơ ri trong tiếng Việt lại dùng để chỉ trái của loài Malpighia glabra, cũng có hình dạng khá giống anh đào nhưng không có họ hàng. Trong đông y, cherry còn được gọi là hàm đào, kinh đào, chu anh, chu quả... Trái có tính ôn, vị ngọt.
Nghiên cứu hiện đại cho biết giá trị dinh dưỡng trong 100g cherry có khoảng 63kcal, 16g carbonhydrate, 13g đường, 2g chất xơ thực phẩm, 0,2g chất béo, 1,1g chất đạm, 7mg vitamin C, 0,4 mg sắt... Ngoài ra, còn có một ít canxi, magiê, phốtpho, kali, folate…
Công dụng chữa bệnh của cherry
Đông y ghi nhận cherry có tác dụng ích khí, tiêu phong thấp. Theo sách Điền Nam Bản Thảo, cherry chữa mọi chứng bệnh hư, có tác dụng bổ nguyên khí, nhuận da tóc, ngâm rượu uống chữa bệnh liệt nửa người, đau lưng, đau chân, tứ chi khó cử động do phong thấp… dùng trong: ăn sống, nấu canh hoặc ngâm rượu uống; Dùng ngoài da: ngâm rượu để xoa hoặc giã để đắp.
Một số nghiên cứu khoa học hiện đại của nước ngoài ghi nhận chất nước màu đỏ sậm của cherry chứa khoảng 17 loại chất. Trong đó, có một thành phần chống oxy hoá rất mạnh có tên khoa học anthocyanins, giúp cơ thể làm chậm tốc độ lão hoá và chống lại các rủi ro của bệnh ung thư. Cherry cũng được chứng minh có tác dụng giảm axít uric trong máu, giúp bệnh nhân bị gút giảm các cơn đau.
Nên ăn bao nhiêu cherry?
Khuyến cáo chung từ các nghiên cứu nước ngoài cho biết, nếu muốn cải thiện sức khoẻ, nên ăn khoảng 250g cherry/ngày. Còn không thì khoảng từ 50 – 100g/ngày là được. Trái cherry rất dễ hư nên phải ăn ngay trong vòng một, hai ngày sau khi mua. Theo đông y, ăn quá nhiều cherry sẽ gây nôn, dẫn đến hư nhiệt phát sinh do nhiều đờm. Cherry có tính ấm, nóng nên người bệnh có tính nhiệt nên kiêng dùng. Trẻ dưới tám tháng tuổi, do hệ tiêu hoá còn non nớt nên cũng cần tránh dùng cherry. Loại trái này rất dễ gây hóc hạt nên phải rất thận trọng khi ăn.
Nghiên cứu của đại học y khoa Boston (Mỹ) thực hiện trên 633 bệnh nhân gút cho thấy nếu bệnh nhân ăn khoảng 20 trái cherry trong hai ngày trước khi xảy ra cơn đau thứ nhất thì giảm 50% nguy cơ bị những cơn đau tiếp theo. Nếu sử dụng những sản phẩm chiết xuất từ cherry thì giảm 40% nguy cơ này. Kết quả này có thể do tác dụng chống oxy hoá của chất anthocyanins trong cherry.
Một thử nghiệm khác của các nhà khoa học thuộc đại học Rochester (Mỹ), bằng cách cho các tình nguyện viên uống nước nguyên chất từ cherry, sau đó chuyển sang uống loại nước trái cây khác (tất cả đều vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ). Kết quả cho thấy uống nước cherry mang lại giấc ngủ ngon và lâu hơn.
Theo giáo sư Wilfred Pigeon, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, hiệu quả từ trái cherry đối với giấc ngủ có thể do loại trái cây này có chứa lượng melatonin cao, một kích thích tố tự nhiên giúp điều hoà chu kỳ giấc ngủ.
Nghiên cứu của đại học Oregon (Mỹ) còn nhận thấy những tình nguyện viên uống nước ép từ trái cherry trước khi tham gia cuộc chạy đua tiếp sức, đã giảm được 23% nguy cơ đau cơ bắp so với những người không uống. Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy nước cherry có chứa hàm lượng cao flavonoid, một hợp chất có đặc tính chống viêm sưng, đồng thời giúp giảm cơn đau.
Ngoài ra, một số nghiên cứu của các nhà khoa học ở Úc, Ấn Độ, Anh… ghi nhận cherry có hàm lượng chất quercetin khá cao (200g cherry chứa khoảng 3mg quercetin), là một hợp chất chống viêm nhiễm và chống dị ứng tự nhiên; cherry còn có thể giúp giảm tình trạng cao huyết áp...