Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 không có quy định cụ thể về vấn đề này, và như thế có nghĩa luật không cấm và việc mang thai hộ là hợp pháp. Tuy nhiên, Nghị định 96/2011 lại quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ ngày 15.12.2011), hành vi mang thai hộ có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Và như vậy là việc mang thai hộ bị cấm, vì thế việc này phải được cho phép trong luật sửa đổi.
Nếu xét từ khía cạnh quyền con người và sự thỏa thuận dân sự, thì giải pháp có thể phải là hủy quy định liên quan của Nghị định 96/2011 chứ chưa hẳn là sự cho phép mang thai hộ trong luật sửa đổi.
Vấn đề này chắc chắn là một vấn đề xã hội phức tạp và cần nghiên cứu thấu đáo trước khi quyết định. Việc cấm theo Nghị định 96/2011 chắc chắn không phải là giải pháp (vì nó không đáp ứng nhu cầu thực của cuộc sống), nhưng việc cho phép cũng chưa hẳn là giải pháp như những tranh luận vừa qua cho thấy.
Không nên cấm việc mang thai hộ, bởi cấm không những không giải quyết được vấn đề mà còn vi hiến và vi phạm quyền con người. Cho phép cũng chưa ổn. Hoặc là cấm, hoặc không cấm thì phải cho phép bằng luật. Đấy là cách tư duy phân đôi, là làm thay nhân dân mà nhiều vị được cho là đại biểu của nhân dân lầm tưởng. Còn có khả năng thứ ba là không cấm và để cho nhân dân tự quyết với sự theo dõi, học hỏi, phát hiện, khám phá ra những giải pháp của dân để pháp điển hóa sau này.
Về vấn đề mang thai hộ, cách làm thứ ba là cách làm thực tiễn hơn, không vi hiến, không vi phạm nhân quyền và tạo cơ hội cho các quan học từ dân thay vì áp đặt ý mình lên nhân dân.
Nói cách khác, không cấm tức là mang thai hộ là hợp pháp (và phải hủy quy định liên quan của Nghị định 96/2011), người dân có quyền thực hiện việc mang thai hộ qua các giao dịch dân sự và nhà nước có thể dùng biện pháp nâng cao dân trí, cung cấp thông tin, hướng dẫn, thuyết phục thay vì cấm hay bắt dân phải theo quy định của mình.