Chùa Kim Liên (Thiên Phúc tự hoặc Kim Hoa tự) nằm ở phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa nổi tiếng với tam quan đồ sộ cùng hệ thống tượng Phật thời Lê - Nguyễn và quả chuông thời Tây Sơn. Cách chùa Kim Liên khoảng 400m là đình (đền) Kim Liên - một trong tứ trấn Thăng Long - thờ thần Cao Sơn.
Để cải tạo lại thiền cảnh vườn tháp của ngôi chùa cổ thuộc phủ Hoài Đức xưa, đầu tháng 10.2009, trụ trì Thích Đàm Chung quyết định cho khởi công xây dựng tháp Tổ gồm 1 tháp chính và 4 tháp phụ.
Ni sư Thích Đàm Chung đang kể lại huyền thoại về cụ rùa đá trắng |
Cụ rùa đá dưới chân tháp Tổ
Để có được công trình tháp Tổ như ý muốn, trước cả mấy tháng trời, sư trụ trì đã phải cất công đi tìm những đội thợ xây nổi tiếng nhất đất kinh kỳ. Sau nhiều lời giới thiệu và đã đi qua hàng chục làng nghề danh tiếng, cuối cùng ni sư Đàm Chung cũng tìm được nhóm thợ đã từng xây hàng trăm ngôi tháp với những nghệ nhân bậc thầy. Mừng rỡ, ni sư vội vã chọn ngày lành tháng tốt để khởi công xây tháp Tổ Kim Liên ngay gần cổng Tam quan.
9 giờ sáng ngày 6.10.2009, khi nhóm thợ đang tiến hành đào móng tháp chính thì bất ngờ gặp phải một khối đá có hình thù kỳ lạ nằm cách mặt đất gần 1m. Ông Bùi Thanh Bình - phụ trách kíp thợ - nín thở ra hiệu cho các đồng nghiệp dừng cuốc, xẻng.
Cẩn thận bới lớp đất xung quanh khối đá, nhóm thợ kinh ngạc ồ lên khi thấy thân hình đồ sộ của một con rùa đá trắng dần dần lộ ra. Bằng mắt thường, ông Bình ước chừng cụ rùa phải nặng trên 1 tấn. Ngay lập tức, ông Bình báo cho trụ trì Thích Đàm Chung. Vì cụ rùa đá rất nặng nên dù đã huy động tất cả sức thợ và sự hỗ trợ của đông đảo người dân làng Kim Liên nhưng vẫn không thể nào lay chuyển được cụ.
Ni sư Đàm Chung lại phải một lần nữa đi khắp các phố Đê La Thành, Tôn Thất Tùng... để thuê người mang máy cẩu về đưa cụ rùa lên mặt đất. Thế nhưng ai nghe thấy công việc này cũng đều lắc đầu từ chối vì họ e ngại rùa đá là linh vật, nếu không làm đúng phép tắc thì sẽ đắc tội với "ngài" mà mang họa vào thân.
Vì thế, phải 3 ngày sau, ni sư Đàm Chung mới tìm được một người chủ máy cẩu trên phố Đê La Thành đồng ý giúp nhà chùa đưa cụ rùa lên với giá rẻ bằng 1/5 nơi khác. Người chủ máy này có vợ đang ốm nặng nên cũng muốn làm việc gì phúc đức để cải lại mệnh trời. Cụ rùa đá đã được cẩu lên mặt đất. Bước đầu đo đạc có thể xác định, cụ rùa đá nặng 1.408kg, chiều dài 1,69m, chiều rộng 1,39m, cao 0,55m.
Huyền thoại về đôi linh vật
Chùa Kim Liên |
Từ khi cụ rùa đá được đưa lên đặt giữa sân trước tam bảo, rất đông người dân làng Kim Liên và các nơi khác nghe tin đã ùn ùn kéo đến chùa để chiêm bái linh vật. Trên lưng cụ rùa được đặt một bát nhang với hương vòng, hương nén nghi ngút khói. Bánh trái, vàng giấy, tiền xu, tiền thật cũng được khách thập phương đặt trên lưng cụ bày tỏ lòng thành.
Nhớ lại sự kiện quan trọng này, trụ trì Thích Đàm Chung rưng rưng: "Nhà chùa chúng tôi mừng lắm. Vậy là sau hàng trăm năm ẩn dật, cuối cùng cụ cũng hiển linh cho thiên hạ được chiêm bái vào đúng dịp kỷ niệm 55 năm ngày Giải phóng thủ đô và kỷ niệm 999 Thăng Long - Hà Nội".
Về cụ rùa đá mới tìm được, ni sư Đàm Chung cho biết: "Khi tôi về chùa Kim Liên, sư thầy trụ trì trước có kể lại, từ đời xửa đời xưa, nhà chùa có đôi rùa đá một đen một trắng. Không hiểu vì lý do gì, cụ rùa đen bỏ đi sang đền Hai Bà Trưng, cụ rùa trắng định bò đi theo thì bị đức ông cai quản chùa Kim Liên rút đao chém một nhát vào mai. Từ đó đến nay, không thấy ai nhắc gì về cụ rùa trắng đó nữa".
Kể từ khi cụ rùa đá trắng phát lộ, rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ học cũng đã tìm đến chùa Kim Liên để chiêm ngưỡng và tìm hiểu những truyền thuyết về đôi rùa thiêng. Không kể đến các yếu tố tâm linh và những huyền thoại thì tất cả đều cho rằng cụ rùa này còn cõng trên lưng một tấm bia. Sau đó, nhà chùa đã huy động nhóm thợ xây cố gắng tìm kiếm tấm bia này trong khuôn viên vườn tháp nhưng suốt một thời gian dài không thấy.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, một người gắn bó với chùa Kim Liên đã nhiều năm nay, cho biết năm 2006, người dân phường Phương Liên trong quá trình làm đường đi vào khu tập thể Điện lực đã đào được 2 tấm bia, trên mặt bia có chạm hình rồng hoa cúc. UBND phường đã chuyển 2 tấm bia này về chùa Kim Liên và mời các nhà nghiên cứu Hán Nôm về dịch.
Những chữ Nôm trên tấm bia đá lập năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) có nội dung ca ngợi một người con gái trong làng đã cúng tiến 3 mẫu ao cùng 500 xâu tiền để làm ruộng chùa. Ông Ngọc cho rằng vị trí phát hiện cụ rùa và tấm bia rất gần nhau, kích thước chân bia và rãnh ngang cắm bia trên lưng rùa khá trùng khớp, vì thế nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết có thể tấm bia này và cụ rùa đá trắng là một cặp.
Thế nhưng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) thì khẳng định cụ rùa này mang hình khối và những họa tiết điêu khắc đặc thù của thời hậu Lê nên phải có trước năm 1802 (trước thời Nguyễn). Vì thế cụ rùa và tâm bia đá trên không thể là một cặp được.
Dù đến nay, sau nhiều năm tranh cãi chưa đi đến kết luận cuối cùng, nhưng người dân Hà thành vẫn luôn trân trọng và bày tỏ lòng tín ngưỡng với đôi rùa đá được thờ ở chùa Kim Liên và đền Hai Bà Trưng. Đây cũng là những di sản quý giá của Hà Nội văn hiến ngàn năm cần được giữ gìn để mãi trường tồn.