Dân Việt

Tham nhũng “vặt”, thiệt hại lớn

Thanh Thiên - Thắng Quang (ghi) 09/06/2014 07:04 GMT+7
“Với thực tiễn công tác của mình, tôi cho rằng việc “tham nhũng vặt” vẫn luôn tồn tại và được xem như là một tất yếu khi người dân cần sử dụng các dịch vụ công chính là do một chữ “lợi” - luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích về lý do vì sao tham nhũng vặt vẫn có thể tồn tại trong đời sống hàng ngày.

Phân tích sâu hơn, LS Trần Tuấn Anh chia sẻ: Khi đề cập đến tham nhũng vặt, tôi lại liên tưởng đến câu nói phổ biến trong dân gian: “Buôn thất nghiệp, lãi quan viên” để chỉ những người buôn bán nhỏ, nhưng lợi nhuận trên phần vốn là rất lớn.

 Ở đây tham nhũng vặt cũng gần gần như vậy. Tuy rằng nó chỉ có 100.000 – 200.000 đồng, thậm chí là 50.000 đồng khi mỗi người sử dụng dịch vụ phải bỏ ra, nhưng nó lại thường diễn ra trong các lĩnh vực mà rất đông người sử dụng dịch vụ. Chính vì vậy nếu tổng kết lại thì số lượng tiền tham nhũng lại không hề “vặt” một chút nào.

Chúng ta có thể điểm qua một số các lĩnh vực mà người sử dụng thường phải “lót tay” mỗi khi sử dụng dịch vụ như: Y tế, dịch vụ hành chính công (cấp mới, thay đổi nội dung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đăng ký kinh doanh; xin các loại giấy phép con; xin giấy phép lao động…); dịch vụ hải quan; thuế… hay thậm chí là xin cho con được đi học trường công lập, đúng tuyến; xin được làm công nhân, bảo vệ cũng phải chi một khoản không hề nhỏ với thu nhập của người dân để đạt được mục đích mà đáng ra là quyền của của công dân.

Tôi chỉ đơn cử trong lĩnh vực đăng ký hoạt động doanh nghiệp tại một địa phương, mỗi hồ sơ bình thường (liên quan đến thành lập mới, thay đổi ĐKKD, giải thể...) để được duyệt hoặc được sửa hồ sơ nhanh (mà như những người trong nghề chuyên đi đăng ký kinh doanh thuê thường hay gọi vắn tắt là để “không bị ăn thông báo”) thì phải lót tay số tiền 200.000 đồng. Như vậy, chúng ta có thể hình dung ra được số tiền “tham nhũng vặt” sẽ lớn như thế nào khi tại địa phương này hàng năm có tới hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh?

Với thực tiễn công tác của mình, tôi cho rằng việc “tham nhũng vặt” vẫn luôn tồn tại và được xem như là một tất yếu khi người dân cần sử dụng các dịch vụ công là do một chữ “lợi”. Hiện tượng tham nhũng vặt này đã tồn tại không biết bao đời nay trong xã hội chúng ta và nó như một lối mòn trong suy nghĩ của người dân khi sử dụng dịch vụ công. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, hơn lúc nào hết các cơ quan quản lý cần phải ngay lập tức tiến hành thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh lại hoạt động và cách phục vụ của nền hành chính công; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân để họ hiểu rằng hành vi đó là vi phạm pháp luật, các cơ quan công quyền sinh ra là để phục vụ người dân, phục vụ xã hội. Có làm được như vậy thì người dân mới bớt khổ và bớt đi nỗi lo mỗi khi có việc phải sử dụng đến dịch vụ công ngay trên đất nước của mình.


Trách nhiệm của các cơ quan thanh, kiểm tra ở đâu?
Những năm gần đây, số lượng các vụ án tham nhũng không giảm mà có chiều hướng gia tăng với quy mô lớn, tính chất phức tạp và cực kỳ nghiêm trọng với số tiền gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng... Để xảy ra những vụ việc trên, các đối tượng trong vụ án chắc chắn phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc nhất của pháp luật.

Tuy nhiên, nó cũng để lại trong dư luận xã hội câu hỏi lớn về hiệu quả của công tác thanh kiểm tra của các cơ quan chuyên trách. Công tác này vẫn được thực hiện hàng năm và các vụ án trên đều diễn ra trong một thời gian dài, số tài sản lớn vậy mà không thể phát hiện được ngay để ngăn chặn khi mà hậu quả còn chưa lớn.

Phải chăng do trình độ năng lực yếu kém hay do mối quan hệ dẫn đến sự nể nang, khi không còn kiểm soát được mới công bố với bàn dân thiên hạ! Nhưng vụ án tham nhũng, ngoài trách nhiệm của những người gây ra, còn phải xem xét cả trách nhiệm của những cơ quan chuyên trách về thanh- kiểm tra. Vũ Tiến (Đức Thọ, Hà Tĩnh)

Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng. Trong các báo cáo của Đảng, Nhà nước cũng đánh giá tham nhũng là quốc nạn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Tham nhũng hiện nay xảy ra ở nhiều lĩnh vực từ quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, tư pháp… Tình trạng tham nhũng vặt của cán bộ công chức trong bộ máy công quyền khiến người dân vô cùng bức xúc.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, dưới góc độ của người làm công tác pháp luật, tôi cho rằng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (lý do cơ bản là chưa công khai kết quả kê khai).

Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN); Nghị định 59/2013/NĐ-CP ngày 17.6.2013 quy định chi tiết một số điều của luật PCTN, các thông tư của Thanh tra Chính phủ là những công cụ sắc bén để PCTN. Tuy nhiên con người vẫn là yếu tố quyết định. Điều 30, Luật PCTN mới chỉ đề cập tới việc công khai, minh bạch trong công tác tổ chức - cán bộ. Điều đó mới chỉ đáp ứng được yếu tố cần.

Yếu tố đủ quan trọng nhất là phải có quy chuẩn về phẩm chất, năng lực cán bộ cũng như quy chuẩn về việc đánh giá và tuyển chọn cán bộ công chức, viên chức. Trên cơ sở đó loại bỏ được công chức, viên chức yếu kém, tham nhũng để bộ máy Nhà nước trong sạch.
Lê Chiên (ghi)