Cái cũ chưa bỏ, cái mới đã bắt đầu làm...
Cho ý kiến về dự Luật Căn cước công dân, đại biểu Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng cần lộ trình thời gian phù hợp. Nhiều cái cũ chưa bỏ, cái mới bắt đầu làm khiến chồng chéo dẫn đến sự lãng phí tiền của. “Làm gì cũng phải thuận tiện cho người dân. Đừng tự làm khó mình và khó người dân. Cái gì cũng cần chứng minh nhân dân (CMND), từ hộ chiếu, hộ khẩu, sổ tiết kiệm… Giờ lấy cái này thay cái kia thì làm thế nào để thay thế. Nói là đơn giản hoá thủ tục hành chính nhưng cái này ra đời mà cái cũ chưa có phương án khắc phục thì có khả thi không?” - ông Nghị nêu vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ tác động của dự luật này bởi hiện có nhiều vấn đề chồng chéo. Ông Chung băn khoăn là Đề án 896 của Bộ Tư pháp về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân không biết có chờ luật này không... Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng cần phải biết việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong Đề án 896 hiện thế nào mới có cơ sở để bàn về dự án Luật Căn cước công dân. Cũng liên quan nội dung này, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị dự án Luật cần có quy định về sự kết nối giữa cơ sở dữ liệu căn cước công dân do Bộ Công an quản lý với cơ sở dữ liệu về hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý để tránh trùng lặp, chồng chéo, gây phiền hà cho người dân.
“Đổi CMND mới làm gì?”
Các đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) và Bùi Thị An (Hà Nội) đều cho rằng cần bổ sung thêm nội dung trên thẻ căn cước về nhóm máu. Bởi đây là vấn đề nhân đạo, khi không may người nào đó xảy ra tai nạn đi cấp cứu cần tiếp máu thì nhìn vào thẻ căn cước là biết ngay. Để luật cụ thể và dễ thực hiện, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) góp ý: Cần quy định cụ thể trẻ sinh ra bao ngày tuổi phải làm thẻ căn cước công dân. Bên cạnh đó cần giải thích rõ trường hợp nào ghi nguyên quán, quê quán, sinh quán...
Tại tổ TP.HCM, ông Đỗ Văn Cương (Vụ Pháp chế - Bộ Công an - đơn vị được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật Căn cước công dân) giới thiệu CMND theo công nghệ mới với 12 số, sau này là thẻ căn cước công dân, chỉ thay đổi mỗi tên gọi. Nó chứa đựng rất nhiều thông tin, trong đó có mã vạch chứa cơ sở dự liệu quốc gia về dư cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước. "Công nghệ mới không thể làm giả và một người không thể có 2 CMND như các đại biểu băn khoăn” - ông Cương nói.
Sau khi nghe đại diện Bộ Công an giới thiệu về CMND mới 12 số, đại biểu Trần Du Lịch chất vấn: Nếu Luật Căn cước công dân được thông qua và có hiệu lực vào tháng 7.2015 thì đổi CMND mới làm gì để sau đó lại chuyển qua thẻ căn cước gây lãng phí? Tiếp ý ông Lịch, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng bày tỏ gay gắt: “Cái đó vừa lãng phí, vừa làm ảnh hưởng đến giao dịch dân sự bình thường của người dân như nhà đất, các tài sản gắn với CMND cũ giờ theo cái mới khó cho công dân. Theo ông Đỗ Văn Cương, ý kiến các đại biểu Quốc hội sẽ được tập hợp và phản ánh với lãnh đạo Bộ Công an.