Dân Việt

Lãng phí phải được xem như tội ác

Mai Hương (thực hiện) 10/06/2014 07:06 GMT+7
"Tâm lý có dự án là "có ăn" đã khiến cho lãng phí trong đầu tư của Việt Nam đứng vào loại cao nhất thế giới. Hậu quả của nó là làm hoang phí đầu tư công, làm bội chi ngân sách, tăng nợ công, tăng lạm phát và chỉ số tiêu dùng".

Hưởng ứng “Diễn đàn Tuyên chiến với tham nhũng, lãng phí” của Báo NTNN - Dân Việt, TS Tạ Đình Xuyên - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo KTXH quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã dành cho phóng viên NTNN một buổi trao đổi thắng thắn về các vấn đề xung quanh câu chuyện lãng phí do sai lầm ngay từ chủ trương đầu tư.

imgTS Tạ Đình Xuyên - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo KTXH quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Ông nghĩ sao khi những dự án đầu tư hiện nay ví như “bò tùng xẻo” mà ở đó, nhiều người mong được hưởng lợi. Và chính tham nhũng, lãng phí nảy sinh từ đây với mức độ ngày càng tăng?

- Có một thực tế trong các hoạt động đầu tư của ta là người ta đang vẽ ra các dự án để xin tiền. Có tiền rồi thì bắt đầu đem về chia nhỏ thành các gói thầu để đấu thầu. Việc làm này có vẻ công khai minh bạch nhưng thực chất có thể không phải như vậy mà đằng sau nó còn nhiều vấn đề mà chỉ người trong cuộc mới có thể biết được. Chính thực trạng đầu tư như vậy đã đẻ ra tham nhũng, như nhiều dự án đang "dính" phải hiện nay. Giá trúng thầu các dự án ban đầu bao giờ cũng thấp với mục đích để "trúng" cái đã, xong sau đó mới thâm vốn, có khi vốn sau đó bị đội lên còn cao hơn gấp nhiều lần so với vốn ban đầu của dự án đó. Mấy chục năm nay, thực trạng này đã được đề cập, thậm chí rất nhiều nhưng vẫn chưa thay đổi được là bao.

  Quá trình phân cấp quản lý chưa phù hợp với năng lực của chủ đầu tư, chưa đề cao vai trò của cơ quan quản lý, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng như ông nói?

Quan điểm
img
TS Tạ Đình XuyênPhó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo KTXH quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư)
  Đầu tư như ở ta hiện nay thì không ngân sách nào chịu nổi và làm sao không xảy ra lãng phí, tham ô, tham nhũng. Cũng chính từ đây, cơ chế xin-cho tiếp tục phát triển, ông nào "vẽ" được nhiều dự án thì xin được nhiều tiền và tất cả đều có lợi ích riêng ở trong đó. 
- Đúng vậy. Phân cấp của ta không rõ ràng, không rõ cả trách nhiệm. Trước đây các dự án đầu tư công đều do T.Ư quyết, rồi các địa phương ào ào đòi phân cấp. Phân cấp nhưng chúng ta lại không kiểm soát được. Nhiều dự án hiện nay, các địa phương, các bộ cứ thế tự quyết, tự làm mà chẳng ai chịu trách nhiệm về hiệu quả của nó. Chủ đầu tư được Nhà nước giao vốn, nhưng chủ đầu tư không chuyên nghiệp, ban quản lý cũng vậy. Khi công trình hoàn thành, ban quản lý dự án giải thể, vừa thiếu tính chuyên nghiệp, vừa không có trách nhiệm đến cùng khi công trình xảy ra vấn đề.

 

Tôi chỉ lấy một ví dụ để thấy đầu tư công của Việt Nam chả giống ai về tư duy lẫn phương thức thực hiện. Ở Mỹ, tất cả các dự án thuộc lĩnh vực thương mại (có kinh doanh và thu hồi vốn) đều không có đầu tư công, tức không thể lấy tiền của ngân sách để đầu tư. Chỉ những dự án cần thiết cho xã hội, dự án không thương mại, tức là bỏ tiền ra là không thu về được thì Nhà nước mới đầu tư. Trong đó, ngay cả các dự án thiết yếu xã hội, Mỹ cũng phải trưng cầu dân ý, quá 50% ý kiến người dân đồng tình thì Nhà nước mới đầu tư. Còn lại các dự án khác đều sử dụng vốn thương mại, vốn vay và chủ đầu tư phải tự hoàn trả chứ ngân sách không bỏ tiền đầu tư. Trong khi ở ta, có bộ vừa đề nghị chi 10.000 tỷ đồng để đầu tư xây nhà hát, rạp chiếu phim… Đây hoàn toàn là các dự án thương mại (đầu tư có thu hồi vốn) cũng đề nghị ngân sách bỏ tiền làm, trong khi còn nhiều lĩnh vực còn cấp bách hơn (như đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân bám biển...). Không thiếu các dự án đầu tư như thế ở ta hiện nay.

Nhưng có nhiều dự án làm thất thoát, lãng phí hiện nay cùng lắm cũng chỉ "kiểm điểm tập thể" là hết?

- Cách quản lý đầu tư nói chung và đầu tư công không ổn như hiện nay đã khiến cho việc không thể quy trách nhiệm cụ thể. Lẽ ra những người đưa ra ý tưởng đầu tư (chủ đầu tư), người thẩm định dự án đầu tư và người quyết định đầu tư là những người phải chịu trách nhiệm. Nhưng do chính sách của chúng ta không rõ ràng nên ai cũng quyết được đầu tư và lẩn được trách nhiệm. Thực tế, một dự án đầu tư chắc chắn phải có người đề xuất chứ nó không thể rơi từ trên trời xuống được đâu?! Rồi ai thẩm định dự án đó, nếu thẩm định thiếu trách nhiệm, cẩu thả, không chỉ ra được cái được, cái chưa được của dự án đó để dẫn tới dự án khi làm xong lãng phí, thất thoát... Và cuối cùng quan trọng nhất là người quyết định đầu tư, họ phải nắm rõ từng dự án đó có lợi hay không và đến mức nào. Tất cả phải rõ chứ, song chúng ta không rõ vì ai cũng có lợi ích riêng trong đó nên dự án cuối cùng vẫn được duyệt miễn là có tiền.

Theo dự thảo Luật Đầu tư công mà Quốc hội đang bàn thảo, người dân sẽ được tham gia giám sát các dự án đầu tư công để phát hiện những việc làm gây thất thoát, lãng phí?

- Tôi cho là phải giám sát. Không một quốc gia nào không giám sát, thậm chí họ còn giám sát rất chặt chẽ, đầy đủ, song quan trọng là cơ chế nào giám sát. Không thể cả 90 triệu dân của ta đứng ra giám sát mà phải có bộ máy, tổ chức giám sát chuyên nghiệp, am hiểu về từng ngành, lĩnh vực và từng hoạt động đầu tư cụ thể thì mới có thể giám sát được. Khi thực hiện giám sát thì phải có các tổ chức đại diện của quần chúng nhân dân tham gia thì mới được cho là người dân có giám sát. Tôi cho rằng cũng rất khó để thực hiện điều này nhưng chúng ta không thể không làm trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư công kém hiệu quả như hiện nay.

Lãng phí nói chung và lãng phí trong đầu tư còn tệ hại hơn cả tham ô, tham nhũng. Bởi tham nhũng thì nguồn vật chất đó vẫn còn được sử dụng cho dù là người ta đã biến của công thành của tư, còn lãng phí thì toàn bộ nguồn vật chất đó không được đem phục vụ đời sống con người. Tôi cũng đồng tình cho rằng, lãng phí phải được xem như tội ác, trong khi nhiều người dân đang thiếu ăn, thiếu đói. Do vậy, xử lý lãng phí nếu không nặng thì không thể hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM):Kiểm soát “hội chứng” dự án

Vấn đề lãng phí là vấn đề được đặt ra khá nhiều, thậm chí có người nói dường như chúng ta có hội chứng dự án, cái gì cũng phải dự án bởi có dự án là có tiền. Và dự án đó bất chấp trong tương lai thế nào vẫn cứ triển khai, thậm chí cuối năm giải ngân thì chạy nước rút. Việc đó xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Đây là vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công. Tôi cho rằng khi sửa đổi Luật Ngân sách phải đặt lại vấn đề, kể cả trong việc đầu tư công để làm sao chúng ta kiểm soát được chặt chẽ tình hình "hội chứng" dự án. Muốn sửa tận gốc thì phải sửa Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, quan niệm về ngân sách. Bên cạnh đó là vai trò giám sát của các cơ quan dân cử với từng loại vấn đề thì mới làm được, nếu không tình trạng lãng phí sẽ tiếp tục tái diễn. Tôi cũng đồng ý với ý kiến cho rằng lãng phí nhiều khi còn lớn hơn tham nhũng. Tham nhũng khi phát hiện còn truy tố được, còn như lãng phí chẳng truy tố được ai.

 ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):Sửa Luật Đầu tư công để khắc phục bất cập

Hiện nay đang phải sửa đổi Luật Đầu tư công để khắc phục những bất cập. Chính sách đầu tư công của chúng ta thời gian qua thu được nhiều kết quả tốt, đặc biệt với vùng nông thôn, nhưng nhiều nơi việc đầu tư cũng kém hiệu quả. Có chuyện lợi dụng việc đầu tư tại một số dự án để tham nhũng. Chính vì thế khi xây dựng lại Luật Đầu tư công cần phải có chế tài để xử lý việc đầu tư không hiệu quả, đầu tư sai. Thứ hai muốn theo dõi việc đầu tư phải theo dõi trực tiếp các dự án. Dự án phải có tính thiết thực, dự án đầu tư không thiết thực thì người duyệt phải có trách nhiệm. Rồi phải có sự đánh giá hiệu quả của dự án sau 1 năm thực hiện.

 ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM):Xem xét lại các chính sách

Trong thực hiện chính sách hiện nay có nhiều lãng phí rất lớn. Ví dụ, vừa qua tôi tham gia với Hội đồng Dân tộc giám sát các dự án di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm, thường xảy ra thiên tai thì thấy rằng trong lúc tình hình ngân sách rất khó khăn nhưng các dự án đầu tư cho mỗi hộ dân di dời ra vùng hiểm họa như thế với mức 1-2 tỷ đồng. Tôi cho rằng mặc dù có nơi đã thực hiện, có nơi chưa thực hiện nhưng như thế là không hợp lý với tình hình ngân sách đất nước hiện nay. Cần xem xét lại các chính sách hiện nay, mặc dù mình mong muốn điều tốt đẹp cho nhân dân nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách đó không hiệu quả, tốn kém thì cần phải xem xét và điều chỉnh cho phù hợp.

Ngọc Lương (ghi)