Những ngọn đèn Hải đăng chiếu sáng trong đêm tối giữa biển trời không chỉ giúp tàu thuyền xác định vị trí trên biển mà còn là vật để khẳng định chủ quyền biển đảo Trường Sa của Việt Nam.
Anh Bùi Văn Niệm (51 tuổi), một người đàn ông đã có hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp này. 6 ngọn Hải đăng mà anh Niệm có nhiệm vụ bảo vệ là tại các đảo Đá Lát, An Bang, Sơn Ca, Tiên Nữ, Sinh Tồn và Đá Tây.
Người đèn trưởng quê ở xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Anh kể, sau khi đi học một năm sơ cấp hàng hải tại Trường Công nhân kỹ thuật Hàng hải 1 năm 1993, cho đến khi 31 tuổi anh mới được lần đầu tiên ra đảo công tác. Hiện giờ Niệm là đèn trưởng Hải đăng Đá Tây đã 6 năm.
Mỗi ngọn Hải đăng có 5 anh em công nhân làm việc túc trực 24/24h. Mỗi ngày vào 8h sáng và 15h chiều có nhiệm vụ thông tin về đất liền các hoạt động của tàu thuyền trong khu vực cũng như sự thay đổi của thời tiết trên biển.
Hải đăng chạy điện năng lượng mặt trời và tự động bật tắt khi trời tối nên các anh luôn phải đảm bảo máy nổ, máy phát điện vận hành bình thường trong mọi điều kiện nhất là mưa bão kéo dài. Nước muối mặn và gió biển cũng dễ làm hư hỏng máy móc nên phải thường xuyên lau chùi.
Tâm sự với PV, thời gian đầu ra đảo anh thấy khá buồn và vất vả, nhất là ở các đảo chìm và mùa mưa bão tháng 8. "Nhưng dần dần tôi càng yêu công việc này, hết công tác chỉ muốn ra đảo. Điều kiện sinh hoạt ngoài này cũng tốt hơn trước, nhất là nước ngọt được tiếp tế, nước mưa đủ dùng quanh năm", anh nói.
Đều đặn 2 tháng một lần, tàu tiếp tế lại vận chuyển thiết bị, dầu, lương thực, nhu yếu phẩm vào Hải đăng, khiến cho cuộc sống những người gác đèn không thiếu thốn một thứ gì.
Rau xanh khá khan hiếm nhưng các anh cũng đã tự cải thiện, trồng bằng khay trên đảo nên đủ dùng quanh năm. "Lúc rảnh tôi lại vác súng móc đi bắn cá, đuổi lưới cải thiện bữa ăn bằng hải sản tươi", anh cười khoái chí.
Đồ dùng sinh hoạt đầy đủ phục vụ cuộc sống của anh em công tác tại trạm Hải đăng. Điện mặt trời và máy nổ phục vụ chủ yếu cho phát sáng nên dầu và gas được dùng nhiều cho việc nấu nướng.
Phòng ngủ của anh Niệm và động nghiệp nằm xoay tròn bên các ô cửa sổ Hải đăng giúp các anh quan sát và trực chiến ngày đêm khi có sự cố xảy ra.
Buổi chiều rảnh rỗi anh thường sang giao lưu thể thao, đánh cờ và bóng bàn với các chiến sĩ Hải quân đảo Đá Tây ngay bên cạnh Hải đăng. Tối đến đọc sách và điện về gia đình. Vợ con luôn động viên anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và yên tâm công tác.
Mỗi ngọn Hải đăng anh Niệm làm nhiệm vụ có thời gian khoảng 5-6 năm. 9 tháng lại thay ca về với gia đình ở lại khoảng 2-3 tháng rồi mới đi. Người đèn trưởng có 3 con một gái, hai trai, tất cả đã trưởng thành. Con gái lớn là giáo viên, con trai thứ hai làm trong ngành Hàng không, cậu út vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm. Chỉ còn 4 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu nhưng người đèn trưởng cho biết quyết tâm xin ở lại cùng ngọn Hải đăng, bám biển đến ngày làm việc cuối cùng.
Trong những ngày công tác ở Hải đăng đảo Đá Lát anh không thể về dự đám cưới con trai đầu, cuối tháng 5 vừa qua mẹ anh qua đời, anh cũng không kịp về chịu tang. Mặc dù rất buồn nhưng anh đã xác định "Tổ quốc là trên hết". Niệm vinh dự và tự hào được làm nhiệm vụ giữ cho ngọn Hải đăng luôn sáng đó cũng là điều để khẳng định chủ quyền biển đảo Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam.