Là Giám đốc Công an TP.Hà Nội, ông Chung có thực tế để nói. Đó là việc làm CMTND mới đang tốn đến 3.500 tỷ đồng. Đó là việc ngay cả lực lượng công an cũng rất mệt khi theo quy định giấy nào cũng có hiệu lực. Và đó là một tương lai “Đến 2020 chưa biết đã có thể thống nhất chưa”.
“Tôi có hỏi 12 số này thay thế số định danh cá nhân không?- ông Chung kể câu chuyện thực tế- Các anh nói không. Máy móc nhập về rồi, đang làm rồi. CMTND 12 số làm theo công nghệ Đức. Nhưng là công nghệ từ năm 1997. Phôi thẻ rất đắt. Trong khi (Luật Căn cước công dân) này sang năm đã có hiệu lực rồi”. “Viết ra một cái luật, nói cần thiết, nhưng không đánh giá hết ảnh hưởng của nó thì sẽ gây tốn kém cho người dân”.
Còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, cũng phát biểu tại nghị trường, nói một câu có tính chất biểu tượng: “Làm theo cách này là tự mình làm khó mình, làm khó cho người dân”.
Thật ngậm ngùi cho người dân, những người nói chính xác phải là “nạn nhân” của những con số liên tục thay đổi và luôn được giải thích rằng thay đổi đó là cần thiết.
Một người nông dân không thể tự trả lời cho mình rằng đối với họ, CMTND 9 số với 12 số có gì khác nhau.
Một người công nhân cũng tương tự, không thể hiểu tại sao lại 9 số, tại sao lại 12 số, tại sao lại căn cước công dân, tại sao lại số định danh cá nhân.
Những cái “cần thiết”, thực ra, là cần thiết đối với người quản lý chứ đối với nhân dân nói chung, nó chỉ, nói như đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, gây phiền nhiễu, lãng phí.
Phiền phức ở chỗ “giấy mới” không thể dùng để rút tiền, giao dịch, đăng ký, chứng thực, thậm chí là không thể đổi một cái sim điện thoại cũ.
Phiền phức ở việc người dân phải tốn tiền bạc, thời gian đi làm một việc vì lợi ích người khác.
Phiền phức, có trong báo cáo của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khi khắp nơi “nảy sinh những bất cập”.
Và phiền phức, vì theo luật, sẽ có hiệu lực từ 1.6.2015, mã số định danh công dân trong căn cước công dân mới sẽ lại thay thế cho những gì đang được gấp rút cấp đổi ngày hôm nay.