Dân Việt

Điều hành xăng dầu sẽ hết... giật cục!

Phương Hà 11/06/2014 08:45 GMT+7
Chiều 10.6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên mở đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.

Quan trọng là công khai, minh bạch

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) chất vấn: Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công Thương đã nhiều lần nói cách tính giá xăng dầu thiếu minh bạch, cạnh tranh trong quản lý, điều hành giá xăng dầu và cho rằng Nghị định 84 của Chính phủ về quản lý giá xăng dầu có thiếu sót khiến người tiêu dùng bị thiệt hại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói về việc sửa đổi Nghị định 84 để làm sao khắc phục những hạn chế, tránh những lợi ích nhóm trong quản lý giá xăng dầu...

Quan điểm
img
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng • 
  Việc cần rút kinh nghiệm là tránh điều hành “giật cục” khi điều chỉnh tăng giá xăng, dầu như trước đây, vì điều đó gây khó khăn cho kiềm chế lạm phát 
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, Nghị định 84 cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành việc kinh doanh xăng dầu. Trong 1 năm trở lại đây, việc điều hành xăng dầu cơ bản theo thị trường và nhân dân đã quen với việc thường xuyên điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc cần rút kinh nghiệm là tránh điều hành “giật cục” khi điều chỉnh tăng giá xăng, dầu như trước đây, vì điều đó gây khó khăn cho kiềm chế lạm phát. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã phát huy hiệu quả lớn mỗi khi giá xăng dầu trên thế giới tăng, giúp giảm áp lực lạm phát trong nước, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. “Quan trọng là điều hành giá xăng dầu phải công khai minh bạch”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

 

Ông Dũng cho biết thêm, từ năm 2013, ngoài việc báo cáo định kỳ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hằng tháng và hằng quý, Bộ Tài chính đều công khai số dư đầu kỳ, cuối kỳ của quỹ. Năm nay Bộ Tài chính đã công khai cả cách tính giá cơ sở giá xăng dầu.

Về câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga xung quanh việc chuyển chức năng quản lý giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đó là chuyện bình thường, vì Luật Giá quy định như vậy. Bộ Tài chính quản lý nhà nước về giá, còn Bộ Công Thương quản lý ngành thì điều hành về giá sản phẩm của ngành. Tuy nhiên, Bộ Tài chính với vai trò quản lý nhà nước vẫn kiểm tra, hướng dẫn song hành với Bộ Công Thương còn việc công bố giá xăng dầu sẽ thuộc về Bộ Công Thương.

Trả lời bổ sung, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng không nên chuyển quyền này về Bộ Công Thương, vì thực tế, quyền quyết định giá xăng dầu là của Thủ tướng Chính phủ. Trong Tổ liên ngành quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh giá xăng dầu, nhưng Bộ Công Thương không đồng thuận thì Bộ Tài chính vẫn phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kiến nghị giữ nguyên quyền hạn quản lý giá xăng dầu như hiện nay.

Tiếp tục thu hút đầu tư vào tam nông

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) nêu vấn đề: Chính phủ đã ban hành Nghị định 26 về việc tăng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN, NT) nhưng việc chi ngân sách cho NN, NT thời gian qua đã đảm bảo như nghị quyết hay chưa? Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Về vấn đề chi cho NN, NT theo Nghị quyết 26, từ 2008 – 2013, ngân sách dành từ 38-41% tổng chi cho lĩnh vực này. Năm 2014 là 41,7%. 6 năm qua là gần 5 triệu tỷ đồng gồm cả trái phiếu chính phủ, chủ yếu là cho chương trình nước sạch, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển rừng... Tóm lại, đầu tư cho NN, NT tăng bình quân mỗi năm 21%, cao hơn tốc độ tăng của thu ngân sách nhà nước (thu ngân sách là 16,6%). Tuy nhu cầu còn rất lớn so với khả năng đáp ứng, nhưng việc đáp ứng về cơ bản đã đáp ứng được tạm ổn.

“Để khuyến khích đầu tư vào khu vực này thời gian tới, Chính phủ đã có Nghị quyết 210 với các chính sách ưu đãi rất lớn về đất đai, hỗ trợ kỹ thuật…” - Bộ trưởng Tài chính cho biết. Đồng thời, các giải pháp tiếp theo sẽ tạo môi trường minh bạch, tạo cơ chế để thu hút đầu tư vào khu vực này.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chất vấn về việc chi phí xây dựng nhà ở, bể bơi... được tính vào giá thành điện. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì rà soát nhà ở của người lao động, nhà quản lý vận hành của ngành điện và sẽ tiến hành báo cáo trong thời gian tới. Theo đó, về nguyên tắc chi phí khấu hao không được tính vào giá thành điện. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin thêm: Thanh tra Chính phủ đã có kết luận với 6 dự án điện, trong đó dự án nhà máy điện (Ô Môn 1) xây dựng bể bơi, biệt thự và dự án Phú Mỹ 1 có tính giá xây dựng vào giá thành điện trị giá khoảng 3 tỷ đồng/năm. “Sắp tới khi Chính phủ có quyết định thì sẽ thực hiện nghiêm túc và sẽ buộc các chủ dự án phải tính tiền cho thuê nhà ở, tiền thuê dịch vụ” - Bộ trưởng Hoàng cho biết.
 

 


Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên):Bộ Công Thương quản lý giá xăng dầu sẽ khó khách quan
Sau khi nghe phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đại biểu Lê Thị Nga phân tích thêm: Về mặt thực chất Nghị định 84 quy định về việc tăng giảm giá bán xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên Nghị định này cũng đã lâu rồi, tình hình thực tiễn hiện nay cũng khác rất nhiều rồi nên cần sửa đổi nghị định để việc điều hành, quản lý kinh doanh xăng dầu phù hợp với thực tiễn.
Quan điểm của tôi là nếu giao cho Bộ Công Thương quản lý về giá thì sẽ tạo nên tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, vì Bộ Công Thương vừa là cơ quan chủ quản của Petrolimex - doanh nghiệp chiếm 50% thị phần hiện nay, vừa là cơ quan quản lý cạnh tranh, vừa là cơ quan quản lý giá, vừa là cơ quan quản lý thị trường. Như vậy khó đảm bảo yếu tố khách quan.
Hải Phong (ghi)