Gần 30% trái cây Trung Quốc hiện có tại TP.HCM bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, đó là thông tin từ Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM. Xin lưu ý thêm, cũng theo Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM, chỉ trái cây Trung Quốc mới bị nhiễm thuốc trừ sâu, còn trái cây của quốc gia khác hoàn toàn không có.
Trái cây Trung Quốc tuồn từ các cửa khẩu phía Bắc tới thị trường TP.HCM mà vẫn còn dư lượng thuốc trừ sâu thì chứng tỏ họ phun thuốc trừ sâu và hóa chất bảo quản với liều lượng rất cao. Lâu nay, người dân ăn trái cây Trung Quốc là ăn chất độc vào cơ thể, nhưng cơ quan chức năng ít khi kiểm tra, thông báo để người dân được biết. Mới đây, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản – Bộ NNPTNT có thông báo gửi Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch nước CHND Trung Hoa, yêu cầu trả lời về việc gần 300 tấn hoa quả nhiễm độc tuồn sang Việt nam.
Không hy vọng có câu trả lời từ phía Trung Quốc, bởi vì chuyện trái cây, thực phẩm nhiễm độc đối với họ là quá bình thường. Ngay cả đối với dân Trung Quốc, những kẻ làm hàng giả, hàng nhiễm độc cũng không tha thì dân Việt Nam có ý nghĩa gì với họ. Dân Việt Nam sống hay chết vì bệnh tật, bệnh ung thư lan rộng trong cộng đồng vì ăn phải thực phẩm nhiễm độc từ Trung Quốc, họ cũng không quan tâm. Trên thực tế, không phải 300 tấn mà hàng ngàn tấn hoa quả Trung Quốc nhiễm độc trên thị trường, chỉ có điều không phát hiện hết mà thôi.
Vậy thì chỉ còn một cách, đó là phải tự bảo vệ người dân Việt Nam khỏi cái họa thực phẩm, trái cây nhiễm độc từ Trung Quốc. Trước tiên là mỗi người dân hãy biết cách tự bảo vệ mình. Không ăn trái cây, thực phẩm Trung Quốc là chắc nhất. Nông sản nước mình không thiếu, nông dân trồng ra biết bao nhiêu quả ngọt trái ngọt, hãy ăn trái cây Việt Nam, vừa đảm bảo an toàn, vừa tiêu thụ sản phẩm trong nước.
Thời gian qua, có những điều rất vô lý trong nhận thức và hành vi tiêu dùng của người Việt nhưng vẫn tồn tại. Nông sản của nông dân sản xuất ra ế thừa, trong lúc người tiêu dùng lại lao đi mua sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Dân mình vừa tự làm hại sức khỏe, vừa giết sản xuất trong nước bằng thói quen tiêu dùng như vậy. Phải thay đổi nhận thức, không chỉ đối với người tiêu dùng, mà ngay với nông dân, phải có ý thức làm ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh để cung cấp cho thị trường trong nước. Cơ quan chức năng cũng phải hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm hoa quả Trung Quốc; phải tạo thêm nhiều kênh phân phối, bán hoa quả sản xuất trong nước sao cho người tiêu dùng dễ mua được.
Có một việc khác thuộc trách nhiệm của nhà nước, đó là không để cho trái cây, thực phẩm nhiễm độc của Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Dân đóng thuế trả lương cho các lực lượng chức năng làm công việc canh gác các cửa khẩu không cho hàng hóa, thực phẩm độc hại vào nội địa. Để trái cây nhiễm độc của Trung Quốc tấn công sức khỏe của người dân chứng tỏ lực lượng đó làm chưa hết trách nhiệm.