Chúng tôi theo con đường nhựa từ ngã ba Hương An (Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quế Sơn, Quảng Nam) chừng 15km hướng về dãy núi Hòn Tàu cao chót vót, bốn mùa mây phủ mà đi. Nơi đây, có câu chuyện về 6 tộc họ hết đời này đến đời khác giữ lại cánh rừng nguyên sinh chỉ nhờ vào bản hương ước của làng.
Nhờ có hương ước của làng nên rừng ở Nghi Sơn không bao giờ bị chặt phá. |
Đó là một khu rừng rộng chừng 10ha, xung quanh được bao bọc bởi những khoảnh ruộng bậc thang xanh mướt. Con đường độc đạo chạy quanh khu rừng già được điểm đủ sắc hoa dại từ sim, mua đến dủ dẻ, ngũ sắc, vông vang... cánh rừng xanh thẳm như chiếc ô khổng lồ nằm cạnh làng, che nắng mưa và cả dông tố cho làng.
Ngôi làng nhỏ chưa đầy 130 nóc nhà này cứ bám quanh triền núi tạo nên một cấu trúc cư ngụ hài hòa đẹp mắt. Điều độc đáo là cổng vào nhà nào cũng có những gốc cây cổ thụ với đủ hình thế, thậm chí có gia đình còn tỉa tót cổng ngõ tạo nên những tán cây rừng xinh xắn. Những ngôi nhà lưng dựa vào núi đá, mặt hướng ra đồng ruộng bậc thang phía trước...
Các lão nông tri điền ở làng Nghi Sơn này cũng không biết “lệ” giữ rừng của làng mình có từ đời nào. Họ chỉ biết rằng ngay từ thời còn bé, những cây đại thụ của rừng đã đứng vững chãi, che chắn mưa bão cho làng. Đến mùa hoa nở, từng chùm hoa buông tỏa đỏ thắm, hương thơm phảng phất khắp đường làng ngõ xóm. Chính vì vậy, người dân nơi đây canh giữ rừng lộc vừng nghiêm ngặt như canh giữ báu vật của làng.
Cụ Đinh Hữu Chi (78 tuổi, trưởng tộc Đinh Hữu làng Nghi Sơn) cho biết: “Trong hương ước của làng ghi rõ cần phải bảo vệ rừng, cấm bất cứ ai xâm phạm nơi ấy. Rừng do tổ tiên, cha ông trồng nên, tồn tại cùng làng bao đời qua, che mưa chắn gió cho làng nên nó có giá trị thiêng liêng như là linh hồn của làng. Đó là đặc ân lớn của làng. Rừng giữ làng, làng phải giữ rừng, thế thôi”.
Ông Phạm Đình Bảy - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết: "Cái quý nhất của rừng Miếu Cấm ở làng Nghi Sơn đó là giữ được vùng rừng bản địa với đủ loại cây gỗ quý. Người trong làng đã bảo vệ nó bằng những quy định ghi rõ trong hương ước. Kể cả người dân nơi khác cũng không ai dám vào rừng này để săn bắt, chặt cây, nên rừng mới giữ được như thế này".
Trong hương ước của làng ghi rất rõ: "Cấm cư dân trong làng vào rừng chặt củi làm than. Nếu vi phạm sẽ bị làng xử phạt. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì đòn roi, nghiêm trọng hơn thì đuổi ra khỏi làng".
Nguyên tắc bất di bất dịch ấy lưu truyền từ đời này sang đời khác, suốt mấy trăm năm qua, cả mấy chục năm chiến tranh rừng không bị tàn phá, ngay cả thời gian này, người ở trong làng cũng không ai dám vào rừng chặt cây, đốn củi. Có lẽ nhờ vậy rừng Miếu Cấm mới tồn tại xanh tươi được như hôm nay.
Bùi Hữu Cường