Dân Việt

Hoãn phiên tòa vụ 4 công an “ăn chặn” trầm kỳ

11/06/2014 17:41 GMT+7
Tại phiên tòa sơ thẩm sáng nay (11.6), sau khi HĐXX hội ý đã quyết định hoãn phiên tòa vì một số lý do. Phiên tòa sẽ được xét xử lại vào ngày 18.6 tới đây.

Ngày 11.6, TAND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với các bị cáo Trần Lệ Kiên (nguyên Phó đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp Công an huyện Khánh Sơn), Vũ Anh Trung (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an huyện Khánh Sơn), Nguyễn Hồng Hà (nguyên Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Khánh Sơn). Bị cáo Nguyễn Thành Trung (nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, nguyên Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa) về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

imgCác bị cáo trong vụ án trước tòa.

Ngay từ sáng sớm, hằng trăm người dân huyện Khánh Sơn đã tụ tập trước TAND huyện để theo dõi phiên tòa. Khi được hỏi, nhiều người dân cho biết họ muốn đến xem phiên tòa vì đây là vụ án lớn nhất từ trước đến nay tại huyện miền núi này.

Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Khánh Sơn, vào tháng 9.2012 tại khu vực núi Gộp Ngà (thôn Ma O, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn), có rất nhiều người dân tụ tập thành từng nhóm đến đào bới, tìm kiếm trầm kỳ trái phép, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương.

Ngày 24.9.2012 UBND huyện Khánh Sơn thành lập Đội liên ngành làm công tác vận động quần chúng, ngăn chặn việc khai thác trầm kỳ trái phép tại xã Sơn Trung. Đội liên ngành gồm các lực lượng: Công an, Quân đội, Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ do Vũ Anh Trung làm Đội trưởng, Nguyễn Hồng Hà làm Đội phó.

Khoảng 21 giờ ngày 26.9.2012, nhóm phu trầm gồm Trần Văn Khánh, Nguyễn Ngọc Thừa đào được một đoạn trầm kỳ, lúc này rất đông người dân cầm cuốc, xẻng vây xung quanh la hét ồn ào. Thấy tình hình phức tạp, Kiên bắn một phát súng chỉ thiên để ổn định tình hình. Sợ bị cướp mất đoạn trầm kỳ nên nhóm Khánh, Thừa đã giao lại cho Kiên (đại diện Đội liên ngành) cất giữ. Khi Kiên mang đoạn trầm kỳ về đến chốt của Đội liên ngành thì Trung, Hà nói không có chủ trương thu giữ trầm kỳ của người dân, đồng thời yêu cầu mọi người phải giữ im lặng không được báo cáo cho lãnh đạo biết, còn việc xử lý đoạn trầm kỳ như thế nào là việc của lãnh đạo Đội liên ngành.

Sau đó, Trung chỉ đạo cho Kiên đem đoạn trầm kỳ trên về nhà Kiên cất giữ. Khoảng một lúc sau Khánh gặp Trung, Kiên và một số người trong Đội liên ngành, Khánh nói với Trung và Kiên: “Cho anh em chúng tôi tiếp tục gửi đoạn trầm kỳ, mai sẽ có người đến lấy”.

Khi tổ công tác liên ngành chuẩn bị rút quân về thì ông Phạm Hồng Sơn (Phó trưởng Công an huyện Khánh Sơn) điện thoại cho Nguyễn Hồng Hà nói trên bãi tiếp tục có người đào được Trầm kỳ và yêu cầu Hà cử người lên áp tải đem xuống.

Hà thông báo cho Vũ Anh Trung biết rồi cùng Nguyễn Hoàng Giang (cán bộ Công an huyện Khánh Sơn) đi lên bãi khai thác trầm kỳ. Lúc này trên khu vực khai thác, nhóm của Huỳnh Trung Nghĩa đào được đoạn trầm kỳ dài khoảng 20cm to bằng ngón tay cái. Thấy vậy, Luân Văn Nam chạy đến yêu cầu anh Nghĩa đưa đoạn rễ cây đó cho mình rồi bỏ đi cùng với Nguyễn Đình Huy, Hoàng Xuân Vương.

Khi nhóm Nam đi xuống núi cả ba gặp Nguyễn Hồng Hà, Nguyễn Hoàng Giang đang đi lên lại khu vực khai thác Trầm kỳ, Nam đã đưa đoạn Trầm kỳ đó cho Hà và nói: “Chú Hà ơi có hàng rồi nè”. Hà cầm đi được một đoạn thì đưa lại cho Nam và nói: “Thôi mày cầm đi, cục hàng này là của riêng chú cháu mình chia nhau”. Sau đó Luân Văn Nam gặp Lê Anh Luân và giao lại đoạn Trầm kỳ cho Luân mang về nhà cất giữ.

Đến khoảng 17 giờ ngày 27.9.2012, Vũ Anh Trung chỉ dẫn nhà của Trần Lệ Kiên (qua điện thoại) cho anh Thừa (người đào được đoạn Trầm kỳ) biết để đến làm “vệ sinh” đoạn Trầm kỳ mang bán. Anh Thừa sau khi “vệ sinh” đoạn Trầm kỳ xong tiếp tục đưa lại cho Kiên cất giữ.

Cũng trong chiều ngày 27.9.2012 Nguyễn Thành Trung (nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, lúc này đang giữ chức Phó giám thị Trại giam Công an tỉnh Khánh Hòa) điện thoại cho Trần Lệ Kiên và Vũ Anh Trung hỏi về thông tin đoạn Trầm kỳ mà Kiên đang cất giữ.

Đến khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày thì Nguyễn Thành Trung đến quán cà phê Góc Núi (ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) gặp Vũ Anh Trung và Nguyễn Hồng Hà. Tại đây, Vũ Anh Trung nói cho Nguyễn Thành Trung biết đoạn Trầm kỳ mà Kiên đang cất giữ là của nhóm Khánh, Thừa đào được tối ngày 26.9.2012. Sau đó, Nguyễn Hồng Hà gọi điện thoại cho Trần Văn Khánh, Hoàng Xuân Vương đến để Vũ Anh Trung, Nguyễn Hồng Hà (đại diện Đội liên ngành), Trần Văn Khánh (đại diện nhóm đào được Trầm kỳ), Hoàng Xuân Vương (đại diện nhóm giữ trật tự) bàn việc mua bán đoạn Trầm kỳ.

Tại đây Nguyễn Thành Trung bảo Trần Văn Khánh giao đoạn Trầm kỳ cho mình mang đi bán và đưa ra ý kiến: “Đội liên ngành 40%, nhóm Khánh, Thừa 40%, nhóm Luân Văn Nam, Hoàng Xuân Vương 20%”. Sau khi thống nhất tỷ lệ ăn chia, Trần Văn Khánh nói với Vũ Anh Trung: “Bạn giao cục hàng (đoạn Trầm kỳ) cho anh hai (tức Nguyễn Thành Trung) để anh hai đem đi”. Nghe Khánh nói vậy, Vũ Anh Trung gọi điện thoại cho Trần Lệ Kiên mang đoạn Trầm kỳ đến bỏ vào trong xe ô tô đang đậu ở trước quán cà phê Góc Núi theo lời dặn của Nguyễn Thành Trung để Nguyễn Thành Trung mang đi bán.

Chiều ngày 28.9.2012, Nguyễn Thành Trung sau khi bán xong đoạn Trầm kỳ nêu trên đã trực tiếp chia cho nhóm: Lê Anh Luân, Hoàng Xuân Vương 800 triệu đồng, (nhóm Luân, Vương cho lại Nguyễn Thành Trung 20 triệu đồng); Đội liên ngành: 1,4 tỷ đồng (đưa cho Vũ Anh Trung); nhóm Trần Văn Khánh, Nguyễn Văn Thừa 1,6 tỷ đồng (đưa cho Khánh).

Khoảng 16 giờ chiều ngày 30.9.2012, tại quán cà phê Điểm Hẹn (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn), Nguyễn Thành Trung gọi Luân Văn Nam, Hoàng Xuân Vương đến để hỏi về đoạn Trầm kỳ mà nhóm Nam đã cất giữ và yêu cầu giao cho Trung mang đi bán. Vương gọi điện thoại cho Lê Anh Luân mang đoạn Trầm kỳ đến giao cho Nguyễn Thành Trung, đồng thời Luân Văn Nam báo lại cho Nguyễn Hồng Hà biết sự việc. Nguyễn Thành Trung đã thông qua Phạm Thanh Túc, Phạm Thanh Tùng để trực tiếp mang đi bán cho Bùi Khắc Dũng tại quán Đại Long ở Cầu Ba (TP.Cam Ranh) với giá 350.000.000 đồng.

Bán xong đoạn trầm kỳ trên Nguyễn Thành Trung nói nhóm Luân, Nam, Vương đến nhà Phạm Thanh Túc ở thôn Tân Lập (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) để lấy tiền. Nhóm Luân, Nam, Vương sau khi lấy tiền xong đã giao lại toàn bộ số tiền 350.000.000 đồng cho Nguyễn Hồng Hà, tại quán cà phê Ngọc Lan (thị trấn Tô Hạp). Hà chia trước cho nhóm của Luân, Nam, Vương 20.000.000 đồng tiêu xài, còn 330.000.000 đồng Hà giữ lại đợi tình hình ổn định sẽ chia sau.

Trên cơ sở đó, Viện KSND huyện Khánh Sơn kết luận, Vũ Anh Trung, Nguyễn Hồng Hà, Trần Lệ Kiên đã có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” làm trái với quy định của pháp luật trong việc thu giữ 1 đoạn trầm kỳ khai thác trái phép gây thiệt hại lợi ích Nhà nước 3,8 tỷ đồng. Đối với Luân Văn Nam đã cùng với Nguyễn Hồng Hà thu giữ 1 đoạn trầm kỳ khai thác trái phép gây thiệt hại lợi ích Nhà nước 350 triệu đồng. Đối với Nguyễn Thành Trung mặc dù biết rõ 2 đoạn trầm kỳ do Trần Lệ Kiên và Lê Anh Luân cất giữ là tài sản do Nguyễn Hồng Hà, Vũ Anh Trung, Trần Lệ Kiên, Luân Văn Nam phạm tội mà có, nhưng vẫn đứng ra thực hiện việc mua bán, đưa ra tỉ lệ ăn chia nhằm mục đích hưởng lợi đã phạm vào tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

img

Hàng trăm người dân đứng chật kín TAND huyện Khánh Sơn theo dõi phiên tòa.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Trung có đơn xin vắng mặt và đề nghị hoãn phiên tòa. Ngoài ra, trong 41 người được TAND huyện Khánh Sơn triệu tập với tư cách nhân chứng trong vụ án thì chỉ có 16 người có mặt. Sau khi HĐXX hội ý đã quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được xét xử lại vào ngày 18.6 tới đây.