Bí thư Phạm Quang Nghị phân tích: Mục tiêu của dự thảo Luật Căn cước công dân là làm Thẻ Căn cước công dân để thuận lợi cho người dân trong giao dịch, trong các quan hệ dân sự.
Nhưng nếu không xử lý tốt mối quan hệ của công dân với các loại giấy tờ cũ, cụ thể hiện nay CMND gắn với mọi giao dịch dân sự, giấy tờ tùy thân hiện hành từ hộ khẩu, hộ chiếu đến việc mua nhà, bán đất... người dân đều sử dụng CMND thì sẽ làm lãng phí và gây phiền hà cho người dân.
Bây giờ phải làm sao liên thông tốt giữa Thẻ căn cước công dân và CMND 12 số, thậm chí là cả CMND loại 9 số để tiện lợi nhất cho người dân.
Nghĩa là ông lo lắng việc cấp Thẻ Căn cước công dân thay cho CMND 12 số sẽ một lần nữa làm phiền người dân khi họ phải chứng nhận lại các loại giấy tờ trước đó có liên quan tới số CMND 12 số?
- Đúng vậy, vì thế phải tính toán tới sự hợp lý khi đổi từ CMND sang thẻ căn cước công dân. Tôi nói đơn giản thế này: Khi Hà Nội và Hà Tây hợp nhất, đầu tiên rất nhiều người nghĩ sẽ phải đổi sổ hộ khẩu, đổi bằng lái xe, đổi CMND, đổi giấy tờ đăng ký xe, biển số xe... Nhưng sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, biển số xe 33 của Hà Tây vẫn là của Hà Nội, sổ hộ khẩu của người dân trước kia là Hà Tây bây giờ là Hà Nội, không việc gì phải đổi…
Như thế rất nhẹ nhàng đỡ tốn kém phiền hà cho người dân. Còn Nhà nước cũng đỡ phải chi phí thêm. Nói vậy để thấy, chúng ta muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, nhưng phải tính toán kỹ, nếu không không chỉ gây tốn kém, lãng phí mà còn rất phiền hà. Tôi sợ rồi có lúc người dân sẽ phải cầm cả 2 loại giấy tờ là CMND và Thẻ Căn cước công dân khi đi làm thủ tục.
Theo ông, còn sự bất cập nào khi triển khai việc cấp CMND 12 số thay cho CMND 9 số trong khi sắp tới Luật căn cước công dân được Quốc hội thông qua và có hiệu lực?
- Trong Tờ trình của Bộ Tư pháp có nói Thẻ Căn cước công dân được cấp cho người dân ngay sau khi sinh, như vậy sau này sẽ phải bổ sung những đặc điểm về nhân dạng vào thẻ khi họ đã trưởng thành, thế có phải dẫn đến việc bao năm sau phải bỏ hoặc sửa Thẻ căn cước này không? Sự việc tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản. Còn nói về việc Thẻ Căn cước có thể hạn chế việc làm giả tôi cho rằng cái gì cũng có thể làm giả được cả. Muốn đơn giản cho người dân mà không tính toán thấu đáo nhất là không có biện pháp để liên kết giữa số CMND hiện hành với số Thẻ Căn cước công dân kia thì ta vẫn không thay thế được về mặt bản chất.
Ông có cho rằng các cơ quan của Chính phủ (Bộ Tư pháp, Bộ Công an) khi đề xuất các vấn đề này chưa có sự kết nối, bàn bạc và thống nhất?
- Tôi cho rằng các bên bàn chưa kỹ vấn đề này. Ví dụ khi Bộ Công an thấy CMND 9 số là không còn phù hợp, đề xuất thay bằng CMND 12 số nhưng ngay cả với loại 12 số, người dân vẫn muốn bảo lưu, liên thông với số CMND cũ (9 số) để khi đi làm các giao dịch dân sự có gắn với số CMND cũ thì vẫn đảm bảo giá trị chứ không phải mất công đi đề nghị đổi số CMND mới khi thực hiện các giao dịch này. Còn nếu không có sự liên thông, biết đâu đến khi làm Thẻ căn cước công dân, trên thẻ này có khi lại phải dẫn lại 2 dãy số CMND cũ và mới cũng nên!
- Xin cảm ơn ông!
Trước đó, ngày 9.6, cho ý kiến về dự Luật Căn cước công dân, ĐB Phạm Quang Nghị cho rằng cần lộ trình thời gian phù hợp. Nhiều cái cũ chưa bỏ, cái mới bắt đầu làm khiến chồng chéo dẫn đến sự lãng phí tiền của. “Làm gì cũng phải thuận tiện cho người dân. Đừng tự làm khó mình và khó người dân. Giờ lấy cái này thay cái kia thì làm thế nào để thay thế. Nói là đơn giản hoá thủ tục hành chính nhưng cái này ra đời mà cái cũ chưa có phương án khắc phục thì có khả thi không?, ông Nghị nói.