Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề nghị Bộ trưởng thông tin cụ thể về các khoản nợ công với Trung Quốc, tình hình các doanh nghiệp nước này thâu tóm, chi phối nền kinh tế, thị trường Việt Nam qua việc thâu tóm các công ty trong nước... "Ngoài ra, cử tri cũng muốn biết các giải pháp của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói tiêng trong việc khắc phục nguy cơ phụ thuộc vào nước này"- ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của ông Nghĩa, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, về chứng khoán thì mức độ đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 0,33% quy mô thị trường Việt Nam- một tỷ lệ không lớn.
Về tổng số nợ vay ODA của Việt Nam với Trung Quốc, Bộ trưởng xin phép Quốc hội sẽ trao đổi riêng với đại biểu. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định con số này không lớn, và không ảnh hưởng tới kinh tế trong nước thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bộ trưởng Tài chính đã trả lời rõ ràng câu hỏi của đại biểu Nghĩa. Kinh tế của Việt Nam không phụ thuộc vào Trung Quốc. "Các doanh nghiệp hợp tác làm ăn theo pháp luật nên nếu thua thì cả 2 cùng chịu. Còn việc vay mượn của Việt Nam với Trung Quốc không lớn"- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Dũng sẽ có thông tin trao đổi riêng với ông Nghĩa về những con số cụ thể liên quan các câu hỏi của đại biểu.
Liên quan đến chất vấn về nợ công, Bộ trưởng nhận định nợ hiện vẫn ở dưới mức cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội là 65%. Mặt khác theo ông, cơ cấu kỳ hạn nợ cũng vẫn đảm bảo.
Phát biểu kết luận phần giải trình của Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Nợ công đang ở giới hạn pháp luật cho phép nhưng đã đe dọa an ninh”. Theo ông Hùng, một trong những hướng cần xử lý là tái cơ cấu nguồn vay. Đối với vay nước ngoài, thời gian vay càng dài càng tốt. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "50% nợ công, nợ chính phủ đến nay toàn vay ngắn hạn. Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế vĩ mô ổn định, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển những khoản vay ngắn hạn sang dài hạn".
Ông Hùng cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét các biện pháp cân đối thu ngân sách nhà nước đúng, đủ để đảm bảo khả năng trả nợ của quốc gia. "Hiện chúng ta đang phải vay để trả nợ. Trong khi đó về nguyên tắc, chúng ta vay để đầu tư chứ không phải để trả nợ. Do đó, thời gian tới cần tăng thu để trả. Hiện nay đang dùng khoảng 60-70 nghìn tỷ để trả nợ, điều này rất đáng ngại. Đề nghị Bộ trưởng, Chính phủ rà soát, cân đối phương án vay báo cáo để Quốc hội an tâm" - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.