Những lưu ý khi chẩn bệnh
Đối tượng dễ bị tăng huyết áp là người cao tuổi, người bệnh tiểu đường, viêm thận mãn, cường tuyến giáp, tăng mỡ máu, hút thuốc, béo phì, nghiện rượu, ít vận động, stress … hoặc quá thờ ơ với việc theo dõi huyết áp, hoặc quá chủ quan vì chỉ dựa vào kết quả đo theo kiểu xuân thu nhị kỳ. Muốn đánh giá huyết áp một cách chính xác và khách quan cần đo huyết áp nhiều lần trong ngày, nhưng đúng giờ nhất định, trong 3 ngày liên tục để thầy thuốc đánh giá diễn tiến và quyết định phác đồ điều trị.
Bệnh biểu lộ qua dấu hiệu báo động mơ hồ như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, cáu kỉnh, mất ngủ... nên cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc dễ bị lừa.
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân gặp nguy hiểm khi không dùng thuốc dù biết huyết áp đã tăng, hay tự ý ngừng thuốc vì huyết áp ổn định. Một khi đã dùng thuốc hạ áp, phải dùng thuốc liên tục để tránh tình trạng huyết áp tăng bất ngờ. Đừng dùng thuốc theo kiểu chỉ mỗi khi ghi nhận huyết áp đã tăng. Cũng đừng dùng thuốc chỉ khi có cảm giác khó chịu vì thường khi quá trễ!
Ngoài ra còn có tình trạng bệnh nhân dùng thuốc hạ áp theo kiểu năm này qua tháng khác mà không tái khám. Nên nhớ là vì phản ứng cũng như thể trạng cá biệt của mỗi bệnh nhân nên thầy thuốc phải thay đồi liều lượng thuốc hạ áp tùy theo diễn biến của bệnh.
Trị bệnh phải trị tận gốc
Nhiều bệnh nhân có phác đồ điều trị chỉ đơn phương với thuốc hạ áp thay vì cần được kết hợp với thuốc lợi tiểu, hạ mỡ máu, chống co thắt, giữ máu loãng, an thần… tùy mỗi trường hợp cá biệt. Bệnh nhân vì thế cần được theo dõi qua một số tiêu chí tối thiểu như ion-đồ để bổ sung các chất điện giải dễ thất thoát khi dùng thuốc lợi tiểu, như chức năng gan để phát hiện phản ứng phụ, như lượng sợi huyết trong máu để đánh giá độ nhớt của máu… Điều trị cao huyết áp mà thiếu theo dõi xét nghiệm huyết học, sinh hoá, điện ký… chính là một trong các lý do khiến trở tay không kịp với biến chứng!
Ngoài ra còn một số lý do khiến bệnh trở nặng sau:
1. Trị bệnh cao huyết áp theo “phương thuốc gia truyền” hay lời đồn vô căn cứ, thay vì dùng thuốc đặc hiệu.
2. Xem thường thuốc đặc hiệu và chỉ chú trọng áp dụng các phương pháp không dùng thuốc, như châm cứu, dưỡng sinh, thiền định… Các phương pháp này nên được kết hợp trong phác đồ điều trị nhưng chỉ là nhân tố đi kèm.
3. Lạm dụng thuốc canxi làm mất tác dụng của một số thuốc hạ áp, nhất là thuốc thuộc nhóm chẹn beta. Bệnh nhân vì thế không nên uống thuốc hạ áp cùng lúc với sữa. Cũng đừng tự ý dùng thuốc canxi liều cao vì sợ loãng xương mà không hội ý với thầy thuốc.
4. Tương tự như thế, nước ép bưởi nếu dùng gần giờ uống thuốc cũng là lý do khiến nhiều loại thuốc hạ áp hoặc khởi động tác dụng chậm hơn, hoặc mất tác dụng nhanh hơn khiến huyết áp dễ dao động.
5. Uống nước không đủ, nhất là khi đổ mồ hôi khiến cơ thể vừa thiếu nước vừa rối loạn chất điện giải. Không thuốc nào có thể triển khai tác dụng như mong muốn nếu thiếu nước. Người dùng thuốc hạ áp lại hay quên chất phụ gia tối quan trọng của thuốc. Đó là uống nước cho đủ trong ngày, thay vì chỉ lo uống thuốc! Có một điều chắc chắn, cao huyết áp không phức tạp vì bệnh khó chữa. Biện pháp cơ bản trong điều trị cao huyết áp chính là làm sao để mọi người hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hiểu để đừng sợ, biết để đừng tránh né.