Ông Jitendra Sharma
Trước những hành động sai trái của Trung Quốc như đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, tấn công tàu Việt Nam, theo ông Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế?
- Tôi đã được xem đoạn video tại hiện trường và thấy rằng Trung Quốc hung hăng, cậy tàu lớn đâm vào tàu Việt Nam ngay trên vùng biển của Việt Nam. Không có lý lẽ gì có thể biện hộ cho những hành động như vậy của Trung Quốc. Luật Hàng hải không cho phép tấn công như vậy, nhất là trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác.
Hành động khoanh vùng vùng biển và đưa đội hơn 80 tàu bao vây bảo vệ là hành động không thể biện hộ về pháp lý. Theo Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), những hành động như vậy hoàn toàn sai trái. Việt Nam có quyền thực hiện tất cả các bước để bảo vệ quyền chủ quyền của mình.
Dù Việt Nam kiện ở bất kỳ cơ quan quốc tế nào IADL cũng hoàn toàn ủng hộ Việt Nam và chúng tôi cũng đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền hợp pháp của Việt Nam. Tôi tin rằng Chính phủ và đất nước Việt Nam sẽ tìm mọi cách để tham khảo các nguồn, khả năng có thể vận dụng Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) để giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Sẽ là vội vàng nếu Hiệp hội Luật gia dân chủ quốc tế dự đoán hành động tiếp theo của Việt Nam là gì. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, Hội luôn sát cánh và ủng hộ Việt Nam hết mức để giải quyết các vấn đề hiện nay ở Biển Đông.
IADL sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc, thưa ông?
- Luật gia chúng tôi rất kỵ việc nói thẳng rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ như thế nào, nhưng chúng tôi có cách để thể hiện. Bất cứ khi nào Chính phủ Việt Nam đưa ra yêu cầu cụ thể về hỗ trợ pháp lý, IADL sẵn sàng hỗ trợ pháp lý. Chúng tôi không bao giờ chủ động mời gọi giúp đỡ, nhưng sẽ giúp đỡ hết sức nếu được đề nghị.
Nếu khởi kiện, Việt Nam có gặp trở ngại nào không thưa ông?
- Rõ ràng Việt Nam có thể kiện ra tòa quốc tế vì Trung Quốc vi phạm UNCLOS, Hiến chương LHQ và các quyền của người dân và dân tộc Việt Nam. Tất nhiên, đây là quyết định cực kỳ quan trọng. Tôi tin rằng chính phủ và người dân Việt Nam sẽ đưa ra quyết định phù hợp cho mình. Phán quyết của tòa tư pháp quốc tế chịu ảnh hưởng nhất định từ các nhóm chính trị là thành viên của họ.
Tuy nhiên, Việt Nam có những yếu tố pháp lý và chính trị tương đối mạnh. Khi Việt Nam đã cân nhắc chín chắn mọi lẽ và quyết định đưa ra tòa quốc tế là Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Những luật sư của Hội có kinh nghiệm trong các vụ kiện quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nếu kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Có nhiều ý kiến cho rằng một khi tòa án quốc tế phán quyết có lợi cho Việt Nam, nhưng lại không có cơ chế thi hành án thì hiệu quả của việc kiện sẽ không như mong muốn. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?
- Đây là khía cạnh rất quan trọng của vấn đề. Chúng ta không có cách nào để buộc một nước tuân thủ theo phán quyết của tòa quốc tế. Có trường hợp tòa quốc tế đưa ra phán quyết nhưng không được thực thi trong thực tế. Tất cả những cơ quan làm nhiệm vụ thực thi phán quyết đó cũng không thể làm gì. Bản thân tòa quốc tế không có cơ quan bảo đảm thực thi, cưỡng chế thực thi. Trừ khi LHQ tuyên bố một nước nào đó sẽ bị tước bỏ tư cách thành viên LHQ nếu không thực thi phán quyết thì hiệu quả có thể cao hơn.
Tôi có thể nêu ra 3 trường hợp trước đây mà phán quyết của tòa án không được triển khai như trường hợp của Palestines, hạt nhân, chế độ Apatheid… Trong trường hợp tòa án quốc tế ra phán quyết, nếu không được triển khai thì cũng gây được tiếng vang lớn vì tòa án này gồm hơn 100 thành viên và tiếng nói ủng hộ của cộng đồng quốc tế rất có giá trị. Phán quyết của tòa sẽ tạo ra niềm tin, sự ủng hộ của thế giới để giúp quốc gia đó đi đến cùng của công lý.