Trung tá Đinh Văn Hòa, Đội phó Đội quản lý xe (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) cho biết về xử phạt xe không chính chủ theo Nghị định 71 sửa đổi Nghị định 34 của Chính phủ.
Sang tên chuyển chủ nhiều nhưng… phạt ít
Chiều 24.11, chúng tôi có mặt tại phòng làm việc của ông Hòa, chuông điện thoại liên tục reo do Phòng CSGT Hà Nội đã công khai số điện thoại của ông để người dân có khúc mắc khi làm thủ tục sang tên chuyển chủ sẽ được giải thích cụ thể…
Theo ông Hòa, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội sẽ tạo điều kiện để người dân sang tên chuyển chủ phương tiện nhanh nhất có thể. |
Ông Hòa nói, tính tới thời điểm hết ngày 24.11, đã có 2.114 trường hợp gồm cả ô tô và xe máy đến Phòng CSGT tiến hành sang tên chuyển chủ phương tiện.
Trong số này có 1.394 trường hợp là ô tô và 720 trường hợp xe máy.
Điều đáng nói, trong số 2.114 trường hợp đi sang tên chuyển chủ phương tiện, lực lượng CSGT Hà Nội chỉ xử phạt 40 trường hợp ô tô và 19 trường hợp xe máy.
"Những trường hợp bị xử phạt là do khi đến sang tên chuyển chủ có giấy tờ mua bán quá thời gian mua bán 30 ngày theo quy định", ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng giải thích rõ, chỉ những trường hợp khi đến đăng ký tại cơ quan CSGT có đủ chứng cứ phương tiện đó có mua bán, cho tặng, chậm sang tên theo quy định thì mới bị phạt, còn khi ở ngoài đường nếu người trong gia đình đi xe của nhau chỉ cần đầy đủ giấy tờ thì chắc chắn không bị xử phạt.
"Cái này chúng tôi vẫn làm bấy lâu nay theo Nghị định 34 nên không có gì bàn cãi và người dân cũng không lạ gì hết", ông Hòa nói.
Cũng theo Đội phó Đội quản lý xe, qua đường dây nóng, người dân gọi điện đến cho thấy có rât nhiều trường hợp có đủ giấy tờ khi mua bán xe, nhưng không chịu đến cơ quan công an để sang tên chuyển chủ.
Theo tìm hiểu, hiện nay có nhiều trường hợp mua lại ô tô dưới 10 chỗ có đầy đủ giấy tờ mua bán nhưng vẫn không muốn sang tên chuyển chủ do mức thuế vẫn còn quá cao so với giá trị xe.
Anh Lê Văn D., ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, anh mua chiếc xe Corolla Altis 4 chỗ của một người bạn giá 500 triệu đồng và có đầy đủ giấy tờ mua bán xe.
Tuy nhiên, đã 2 năm nay anh vẫn cứ để vậy đi mà không chịu đi làm thủ tục sang tên.
"Mua xe lại với giá cao do mức thuế đăng ký ban đầu là 20% giá trị của xe, giờ thêm 12% phí sang tên chính chủ nữa thành ra mức thuế để sở hữu chiếc xe lên tới hơn 30%. Thuế sang tên như vậy là quá đắt nên tôi thà cứ để vậy đi để tránh phải nộp phí cao", anh D. nói.
Xung quanh vấn đề mức thuế sang tên chuyển chủ với xe ô tô dưới 10 chỗ, được biết, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội đã có tờ trình lên UBND TP.Hà Nội đề xuất nên giảm mức phí đối với xe ô tô dưới 10 chỗ.
Nhiều trường hợp khó sang tên chuyển chủ
Có một thực tế, hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều phương tiện (chủ yếu là xe máy) rất khó sang tên chuyển chủ vì nhiều lý do khác nhau.
Theo ông Hòa, có nhiều trường hợp mua xe ở chợ có giấy tờ mua bán nhưng lại không có dấu của xã phường nơi cư trú của người bán thì cũng không thể làm thủ tục sang tên chuyển chủ được.
"Người bán xe cuối cùng phải có giấy bán có dấu chứng nhận của xã phường nơi cư trú thì người mua xe mới sang tên đổi chủ được. Bởi, thực tế có xe mua ở chợ chỉ có giấy viết tay sơ sài, chỉ đến khi lực lượng kiểm tra xem lại hồ sơ của xe thì mới biết đó là xe ăn cắp", ông Hòa dẫn chứng.
Nhiều cuộc gọi đến cho ông Hòa nói rằng đã mất hết giấy tờ (giấy mua bán, hóa đơn mua bán xe). Nhưng trường hợp này, người mua phải cố gắng tìm lại được giấy tờ mua bán của người cuối cùng, còn nếu không Phòng CSGT Hà Nội phải báo cáo cụ thể những trường hợp vướng mắc này lên cấp trên để tìm hướng giải quyết.
"Xe mua bán tới 10 người chỉ, cần người cuối cùng xác nhận có gấy tờ mua bán đóng dấu là được. Nhưng trường hợp như vậy chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết cỡ cho người dân làm thủ tục sang tên. Tuy nhiên chúng tôi cũng chỉ tạo điều kiện "mở" đến thế thôi. Bởi, nếu không xe gian, xe lậu được kẻ gian lợi dụng khai là xe mua đển sang tên chuyển chủ thì rất khó khăn cho công tác quản lý", ông Hòa nói.