Dân Việt

Ngả mũ trước sự sáng tạo của dân quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn 03/05/2014 06:54 GMT+7
Thế hệ trước tôi chừng 10 tuổi, trong đó có cả bà chị gái tôi rời quê đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ rất nhiều. Câu chuyện họ kể với tôi 60 năm qua có thể viết được vài cuốn tiểu thuyết.
Đồng bào dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ vận chuyển lương thực lên Điện Biên Phủ.
Đồng bào dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ vận chuyển lương thực lên Điện Biên Phủ.

Về lực lượng nông dân tham gia, đông nhất là dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong ở khắp vùng tự do. Lực lượng lên tới hàng vạn người, lúc vào thì gánh lương thực, đạn dược, ra thì cáng thương binh. Họ toàn đi đêm, nên mới có cảnh hoành tráng, hào hùng: “Dân công đỏ đuốc từng đoàn, bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”…

Bộ đội phần lớn là nông dân, thanh niên xung phong. Dân công phần lớn là những cô thanh nữ, phụ nữ, nông dân vùng tự do, cả trong vùng địch hậu cũng trốn ra. Chả thế hồi ấy đã có bài hát ngợi ca: “Nông dân, đội quân hùng mạnh, đội quân chủ lực, không có nông dân thì kháng chiến ta không thể thành công. Nông dân tham gia chiến đấu, thóc lúa nuôi bộ đội ta, như thóc thuế nông nghiệp là sức ta làm ra”.

Một vạn chiếc xe thồ, người dân Thanh Hóa cần mẫn thồ gạo đi chiến dịch. Họ có sáng kiến dùng 2 thanh tre đực hay gỗ cứng, chống từ tay lái xuống tai hồng để gia cường cho càng trước không bị gục. Bánh xe cũng được gia cường thêm dăm chiếc nan hoa tre hay gỗ nữa. Một chiếc cọc buộc chặt vào gióng dọc trên khung xe, vừa làm chỗ giằng dây buộc đỡ hai giá đặt hai bao gạo hai bên...

Nhờ những cải tiến ấy mà chiếc xe thồ Điện Biên Phủ đã làm cho những người Pháp sản xuất ra cũng phải kinh ngạc về tải trọng của nó. Anh dân công Ma Văn Thắng (Phú Thọ) thồ được tới 352kg. Những chiếc xe thồ bình thường khác cũng thồ được gấp hơn 10 lần gánh bộ, lại đỡ gạo ăn cho 10 người (mỗi dân công đã ăn hết 92% số gạo họ gánh được). Xe thồ lại đi được cả những chỗ đường hẹp mà ô tô chịu chết.

Ta huy động, mua từ các vùng địch hậu, vùng tự do đủ các thứ lương thực, thực phẩm (muối, cá khô, nước mắm cô đặc, đỗ xanh - để làm giá, vừng, lạc, mỡ lợn, thịt lợn ướp muối, đường, sữa, thuốc lá…). Khẩu hiệu cho mặt trận ngày ấy là “Tất cả cho tiền tuyến”, không chỉ dân công vận tải lương thực, ngay các đơn vị bộ đội hành quân lên chiến dịch, ngoài súng, 3-4 cơ số đạn, xẻng (gập lại thành cuốc), tư trang cũng phải mang gạo cho chính mình (từ 10-15kg). Mỗi đại đội lại có anh dắt theo mấy con bò làm thức ăn dự trữ. Các dân tộc miền núi Tây Bắc cũng nô nức lên đường: “Pì noọng ơi! Kĩu kịt trên vai/ Hai đầu hai quả đạn súng đại bác (mỗi quả đạn 105 ly nặng 25kg)/ Noọng ơi đói rồi! / Pì noọng ơi! Xa nhà đã lâu. / Thương chồng nhớ con / Tàn giặc về em gặt lúa (…)/ Đi, ta đi dân công là đi giết giặc lập công/ Pì noọng ơi!”.

Vất vả, khó nhọc, thiếu thốn đủ thứ, nhưng vui lắm, vui vì được thoát ly gia đình, vui vì được sống trong một tập thể, ai cũng háo hức đóng góp sức mình cho tiến tuyến đánh thắng giặc, để mừng đón Cha (Bác Hồ) trở về.