Dân Việt

Sinh viên Đại học sư phạm có thể chọn lấy bằng cao đẳng

Vnexpress 27/04/2014 10:43 GMT+7
Theo đề án đổi mới đào tạo đối với các trường ĐH sư phạm, nếu sinh viên học đủ tín chỉ và đảm bảo chuẩn chất lượng đối với giáo viên THCS thì có thể lựa chọn dừng việc học, lấy bằng cao đẳng.
Ngày 26.4, tại Hội thảo đổi mới chương trình đào tạo giáo viên các trường ĐH Sư phạm được tổ chức tại Hà Nội, PGS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá, giáo dục phổ thông đã trải qua 3 cuộc cải cách (1950, 1956 và 1979) nhưng chưa có cuộc đổi mới cơ bản nào trong đào tạo ở các trường đại học.

PGS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội.
PGS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội.

Hiện mô hình đào tạo, chương trình của các trường sư phạm đã lỗi thời. Trong khi ngành giáo dục đang chuẩn bị cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì việc đào tạo giáo viên càng trở nên quan trọng.

"ĐH Sư phạm Hà Nội có sứ mạng và trọng trách đặc biệt. Vì vậy, nhà trường đã xây dựng khung chương trình đào tạo giáo viên mới, đáp ứng những định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015", PGS Minh cho hay.

Quan điểm đổi mới chương trình đào tạo sư phạm hiện nay, theo thầy Minh, phải được xây dựng trên quan niệm mới về người giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đất nước.

Chương trình cũng được tinh giản, giữa các đối tượng, ngành học sẽ có sự liên thông, đồng thời khoa học cơ bản phải phù hợp với nghiệp vụ sư phạm.

Với những mục tiêu đó, ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất khung chương trình đào tạo chia làm ba phần gồm các môn chung, chuyên môn và nghiệp vụ. Các môn chung bao gồm những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng HCM, Đường lối cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngoại ngữ. Đối với Ngoại ngữ sẽ bố trí học theo trình độ thay vì xếp lớp học theo khoa như hiện nay.

Chuyên môn sẽ theo các ngành học, không chỉ đơn ngành mà có thể các môn học đáp ứng cho tích hợp các ngành: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Tin và Công nghệ. Chương trình nghiệp vụ sư phạm bao gồm cả kiểm tra, đánh giá và quản lý.

Thời gian đào tạo nghiệp vụ sư phạm cũng được đề xuất tăng lên, chiếm 25% tổng thời gian đào tạo sinh viên trong trường đại học. Sinh viên sư phạm sẽ được bồi bổ về năng lực giáo dục và năng lực dạy học, năng lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, đặc biệt năng lực dạy học theo hướng tích hợp và phân hóa.

Trong quá trình học 4 năm, những sinh viên nào học đủ tín chỉ theo quy định sẽ được lựa chọn thực tập bậc THCS, lấy bằng cao đẳng để ra dạy cấp 2. Còn những sinh viên lựa chọn học tiếp để dạy phân hóa (cấp 3) sẽ học chuyên sâu thêm các chuyên ngành.

Trong quá trình thực hành giảng dạy tích hợp tại các nhà trường, sinh viên phải biết vận dụng tri thức được học để đảm đương công việc thực thụ của một giáo viên THCS cả về năng lực giáo dục, năng lực giảng dạy. Giai đoạn này sinh viên cần 90 tín chỉ.

Còn những sinh viên khác, sau khi hoàn thành giai đoạn THCS sẽ được tiếp tục đào tạo để dạy phân hóa (gồm chuyên ngành và giáo dục) để ra trường giảng dạy bậc THPT. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về ngành học, có các năng lực chuyên biệt để vận dụng trong giảng dạy, thực tập.

"Để tốt nghiệp dù bằng hình thức thi hay luận văn sinh viên vẫn phải qua vòng thi giảng trực tiếp, hoàn thành phần này các em cần 60 tín chỉ. Sinh viên đạt chuẩn sẽ được cấp bằng đại học. Như vậy, tổng số tín chỉ đào tạo giáo viên là 150", ông Minh cho hay.

Chương trình đào tạo sẽ được sắp xếp lại, thay đổi tiến trình để đáp ứng chuẩn đầu ra của đối tượng giáo viên là THCS. Tổng số tín chỉ nhóm ngành này được đề xuất tối thiểu là 135 tín chỉ.

Trong phiên làm việc buổi sáng, những người đứng đầu các khoa của các đại học sư phạm lớn trên cả nước đã thống nhất thời gian đào tạo sư phạm giữ ổn định trong 4 năm và nhất trí 25% thời gian đào tạo dành cho nghiệp vụ sư phạm. Việc cấp bằng cao đẳng khi sinh viên học đủ tín chỉ để ra dạy THCS và số tín chỉ 135 hay 150 đang tiếp tục được thảo luận để đi đến thống nhất.