Dân Việt

Thực tế phũ phàng sau vụ nữ sinh đi dạy thêm bị cưỡng hiếp

Mai Anh (Thế giới Tiếp thị) 15/06/2014 13:45 GMT+7
Sự việc nữ sinh Trung Quốc ăn mặc “mát mẻ” khi đi dạy kèm tại nhà bị học sinh cưỡng hiếp tập thể đã làm dư luận không khỏi hoang mang, lo sợ.
Đó chỉ là một trong số ít các “tai nạn nghề nghiệp” được đưa lên báo chí của sinh viên khi đi làm thêm, còn thực tế thì hằng hà, sa số.

Xung quanh câu chuyện này đã có nhiều ý kiến tranh luận, trong đó có những ý kiến cho rằng “tiền” đã gây ra tất cả. Bản thân tôi – cũng là một sinh viên thường phải tìm việc làm thêm ngoài giờ học – thì lại hoàn toàn thông cảm với bạn sinh viên trên. Bởi để kiếm tiền phụ cho khoản tiền ít ỏi cha mẹ phụ cấp nhằm phục vụ học tập, sinh sống sinh viên chúng tôi phải đối mặt với biết bao nhiêu là bất an khi đi làm thêm, dù chúng tôi luôn là người đứng đắn.
Những cô gái tiếp tay  cho thuốc lá. Ảnh TL  chỉ mang tính minh hoạ.
Những cô gái tiếp tay cho thuốc lá. Ảnh TL chỉ mang tính minh hoạ.

Từng đi làm phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp sinh viên bị sàm sỡ. Có thể “thủ phạm” là khách hàng, là người trực tiếp đứng ra tuyển dụng hoặc cũng có thể là chính những đồng nghiệp bên cạnh mà chẳng biết kêu ai. Nín nhịn làm việc thì lại bị bảo là ham tiền, còn không nhịn thì chỉ còn nước nghỉ việc, vì lấy ai bênh vực cho mình. Mà nghỉ việc thì biết lấy đâu ra tiền để học tập, sinh sống. Như vậy có phải là do chúng tôi mê tiền (?!)

Hay khi tôi đi bán hàng đa cấp nhiều người cho rằng chúng tôi đã tiếp tay cho “bọn lừa đảo’, nhưng có ai hay chúng tôi cũng là nạn nhân của các công ty bán hàng đa cấp. Bởi những lời hứa hẹn trên mây, những viễn cảnh tốt đẹp được các công ty vẽ ra làm cho không ít bạn sinh viên dính bẫy, trong đó có tôi.

Ba năm đầu đại học, trải qua biết bao công việc làm thêm những hòng đỡ đần cha mẹ, tôi nhận ra rằng để có được đồng tiền chân chính là vô cùng khó khăn nên ngày nào tôi cũng ước ao nhanh chóng ra trường, để được đi làm đúng ngành nghề mình đã học, để được phụ giúp cha mẹ nuôi hai em, để không còn bưng bê trong các nhà hàng tiệc cưới. Thế nhưng, trước ngày ra trường, bản thân tôi còn gặp một trở ngại vô cùng lớn đó chính là chuyện phải đi thực tập.

Đi thực tập là chuyện không thể thiếu trong cuộc đời sinh viên. Bên cạnh sự háo hức vì được trải nghiệm thực tế những điều đã học trên ghế nhà trường thì tôi cũng không tránh khỏi những lo toan “đầu tiên”, vì thực tập không có lương mà còn tăng thêm khá nhiều chi phí khác. Cái khó của việc thực tập là bản thân tôi không thể chủ động sắp xếp thời gian được như khi trước nên không thể tiếp tục việc bưng bê ở nhà hàng tiệc cưới.

Nghỉ việc – đồng nghĩa với thất thu – đồng nghĩa với việc phải xin thêm tiền cha mẹ. Không thể được! Cha mẹ đã nghèo không thể tạo thêm gánh nặng.

Để giải quyết khúc mắc trên, giờ đây cứ vào mỗi tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy tôi phải mặc váy ngắn, phải giả lả nói cười với khách khi đi giới thiệu sản phẩm thuốc lá mới, để cố đeo đuổi giấc mơ nghề nghiệp mà chỉ còn chưa đầy năm nữa là thành hiện thực. Và ở đây, tôi đang sống trong tâm trạng bất an khi đọc được mẩu chuyện của bạn sinh viên Trung Quốc kể trên, nhưng vẫn không thể tìm ra cách nào để thoát. Vậy một lần nữa, tôi xin hỏi như vậy có phải là do sinh viên chúng tôi mê tiền hay không (?!)