Dân Việt

Làm thế nào để trữ đồ trong tủ lạnh đúng cách?

Tủ lạnh không an toàn như nhiều người tưởng. Ngăn chứa rau quả có thể chứa lượng vi khuẩn cao gấp 750 lần mức cho phép. Thức ăn để ngoài được chừng vài giờ, nhưng để trong tủ lạnh có thể được vài ngày.
Tủ lạnh (kể cả đông lạnh) không thể giết chết vi khuẩn, mà chỉ làm chúng tạm ngừng hoặc chậm phát triển mà thôi...

Những điều căn bản

Tầm nhiệt độ từ 5 – 60 độ C là khoảng nguy hiểm nhất để vi khuẩn phát triển. Lưu trữ thực phẩm cần né vùng nhiệt độ này.

Một cách sắp xếp đồ ăn trong tủ lạnh. Ảnh: TL
Một cách sắp xếp đồ ăn trong tủ lạnh. Ảnh: TL

Ngăn làm đá của tủ lạnh có nhiệt từ -12 đến -20 độ C, còn ngăn mát thì khoảng 1 đến 10 độ C, tuỳ cách chỉnh nhiệt độ, số lượng thực phẩm chứa bên trong, và số lần mở tủ nhiều hay ít. Mùa nóng như lúc này, cần điều chỉnh mức lạnh thấp hơn (số lớn).

Độ lạnh ở ngăn mát không đồng đều. Ngăn dưới lạnh hơn ngăn trên. Cùng ngăn, phía trong lạnh hơn phía ngoài (gần cửa). Đồ ăn dễ hư nên ưu tiên để ở vị trí lạnh hơn.

Ẩm độ ở trong tủ lạnh thấp hơn trong thực phẩm, nên hơi nước từ thực phẩm sẽ thoát ra ngoài (sự di ẩm). Điều này làm thịt cá dễ bị “cháy lạnh” (nếu trữ lâu trong ngăn đá), và rau quả chóng héo. Cần bao bọc kỹ thực phẩm để tránh thoát ẩm.

Đau đầu vì nhiễm chéo

Sử dụng tủ lạnh khó nhất là tránh nhiễm chéo. Nhiễm chéo là vi khuẩn (hay mốc meo) từ thực phẩm này lây qua thức phẩm kia. Điều này thường xảy ra ở ngăn mát. Những gợi ý dưới đây được suy ra từ những điều căn bản trên.

Rau mua về nên rửa sạch, bỏ vào bao plastic khác và trữ ở ngăn riêng (thường là ngăn cuối ở tủ lạnh), nếu không nhiễm chéo có thể xảy ra.

Vài loại trái cây và củ như chuối, táo, cà chua, khoai tây, hành lá, hành củ, v.v. không cần thiết phải bỏ tủ lạnh, chỉ cần rửa sạch và để nơi thoáng mát là đủ.

Thịt cá đông lạnh mua ở siêu thị thì trữ ở ngăn đá. Thịt cá tươi để ở ngăn đá bảo quản được lâu hơn, nhưng chất lượng sẽ kém khi rã đông.

Thịt cá gà tươi cần phải được bao bọc kỹ, hoặc để trong hộp, đặt trên khay nhựa và để ở ngăn cuối của ngăn mát (dưới cùng, hoặc ngay trên thùng để rau). Tránh để thịt tươi ở các ngăn trên, vì nước thịt có thể rỉ ra, nhỏ xuống dưới gây nhiễm chéo, nhất là với thịt gà, vi khuẩn campylobacter từ thịt gà gây đau bụng, sốt và tiêu chảy.

Phómát nên đựng trong hộp riêng vì rất dễ bị nhiễm vi khuẩn listeria từ patê, thịt, cá…

Vỏ trứng là ổ salmonella (vi khuẩn gây tiêu chảy, thương hàn). Không nên để trứng ở những ô hõm cửa tủ lạnh, mà để nguyên trong bao cáctông, đặt ở phần giữa của ngăn mát. Trứng có thể trữ tới năm tuần (kể từ ngày đẻ).

Sữa chai, yaourt, gia vị… có thể để nơi nào trống trong tủ lạnh, nhưng điều quan trọng là phải đậy kỹ.

Thức ăn thừa, thịt kho, canh… nên hâm lại trước khi bỏ vào tủ lạnh và cũng cần phải đậy kín. Có thể lưu được 3 – 4 ngày.

Nếu dùng màng plastic bao thực phẩm thì nên dùng màng PE. Tuy khó xài hơn màng PVC, nhưng không sợ thôi chất độc từ màng plastic vào thực phẩm.

Sau cùng, không nên tin vào lưỡi, mắt, mũi của mình để phán quyết đồ ăn nào hư, đồ ăn nào còn xài được. Thực phẩm nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc không thể hiện qua mùi vị, trông mủn hay mềm xốp. Vi khuẩn thả hoặc tiết ra độc tố với số lượng đủ lớn có thể gây ngộ độc. Hâm nóng lại đồ ăn chỉ giết được vi khuẩn, nhưng có thể không huỷ được độc tố. Đồ ăn thừa để trong tủ lạnh quá bốn ngày dù trông còn bắt mắt, nên bỏ.

Thức ăn nhiễm mốc meo cũng nên bỏ, vì rất khó đoán được độc tố nấm mốc (mycotoxin) lành dữ thế nào bằng mắt thường.