Ngày 28.4, TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Cùng với dịch sởi, dịch tay chân miệng, thủy đậu cũng đang bùng phát, có thể dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch”.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 17.400 ca mắc tay chân miệng (TCM) tại 62 tỉnh, thành phố, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, có một số tỉnh có tỷ lệ người mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 như TP.Hồ Chí Minh (2.600 ca, tăng 28,9%), Bà Rịa-Vũng Tàu (1.100 ca, tăng 34,4%), Cà Mau (938 ca, tăng 15,5%), Kon Tum (112 ca, tăng 69,7%)…
TS Phu nhận định, bệnh nhân TCM tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, do đó thời gian tới vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch TCM. Hơn nữa, năm 2013 số ca mắc thấp, nên theo chu kỳ, khả năng TCM gia tăng là rất cao.
Bệnh thủy đậu chưa có số thống kê cụ thể, nhưng cũng đang gia tăng tại TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương… Ngoài ra, tại các nước giáp với Việt Nam đang gia tăng số ca mắc TCM như Trung Quốc tăng 1% so với cùng kỳ năm 2013, Singapore tăng 29%... “Đây đều là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan. Nếu như không kịp thời phát hiện, cách ly các trường hợp mắc bệnh thì virus sẽ rất dễ phát tán và lây sang người khác qua dịch miệng, mắt, mũi” – TS Phu nhận định.
Bộ Y tế đã ra thông báo hướng dẫn người dân nhận biết về bệnh TCM, cũng như cách hạn chế lây lan bằng cách giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên cho trẻ, cho trẻ ăn uống đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng… Cùng ngày, ông Phu cho biết, Cục sẽ có văn bản hướng dẫn 11 tỉnh có nguy cơ mắc sởi cao để thực hiện tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ từ 2 đến 10 tuổi. Tuy nhiên, không phải trẻ nào ở 11 tỉnh đó cũng phải tiêm mà chỉ các trẻ trong ổ dịch, có nguy cơ lây nhiễm sởi cao mới phải tiêm.
Theo ông Phu, ổ dịch là nơi có từ 3 người sốt phát ban nghi sởi trở lên, trong đó có ít nhất 2 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sởi. Các tỉnh “nguy cơ” sẽ phải rà soát địa phương mình, lên kế hoạch và báo cáo với cán bộ Chương trình tiêm chủng mở rộng địa phương, để tổ chức tiêm cho đúng đối tượng.
Ngày 28.4 ông Kohei Toda – chuyên gia thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, không có thuốc điều trị kháng virus sởi, do đó, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất cho trẻ từ 9 tháng đến 14 tuổi khỏi bệnh sởi là tiêm vaccine. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch sởi cần ít nhất 95% trẻ em có miễn dịch với 2 mũi vaccine sởi.