Dân Việt

Đạo diễn Phi Tiến Sơn: "Đam mê" sẽ có điểm cộng tại LHP

28/11/2012 15:48 GMT+7
Dân Việt – “Tôi hy vọng với ngôn ngữ mới và những vấn đề bức xúc không chỉ phạm vi ở Việt Nam mà ở cả Châu Á, “Đam mê” sẽ có điểm cộng tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 2”.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ sau buổi chiếu phim “Đam mê” tối 27.11 tại Hà Nội.

img
Đoàn làm phim "Đam mê" trong buổi giao lưu chiếu phim tối 27.11 tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà

Anh cảm nhận như thế nào khi cầm trên tay kịch bản “Đam mê”?

- Tôi rất vui sướng khi nhận được kịch bản từ anh Đỗ Mạnh Tuấn, vì từ lâu lắm rồi Nhà nước mới chấp nhận cho phép dựng phim từ kịch bản mang đề tài cá nhân, bởi lâu nay các tác phẩm điện ảnh thường mang tính vĩ mô, một cái gì đó chung về dân tộc, về đất nước mà ít quan tâm đến cá nhân cụ thể, đến cái gì đó rất riêng tư, rất con người.

Mà con người ở đây chính là niềm đam mê, và cái khát khao lớn nhất là được tự do, thì ở bộ phim “Đam mê” đã một phần nào đó đã nói lên được điều này.

Nội dung bộ phim muốn nói đến chính là con người ai cũng có đam mê, có ước mơ, mong muốn và không ai có thể ngăn cản, cấm đoán được của con người. Thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm tới các bạn trẻ ngày hôm nay là: Các bạn trẻ ơi, các bạn có rất nhiều niềm đam mê vậy thì hãy đam mê thật sự để làm được điều gì đó tốt đẹp nhất trong cuộc đời.

Sau khi xem xong, nhiều người cho rằng bộ phim ôm đồm quá, khiến có nhiều chi tiết thừa. Là đạo diễn, anh nghĩ như thế nào về điều này?

- Tôi nghĩ nên tạo ra một mảng tự do cho khán giả, những cảm xúc, suy nghĩ bên lễ mà không nhất thiết khán giả phải đi theo con đường mà đạo diễn đặt ra.

Rất nhiều bộ phim dự thi cũng đã làm theo cách đó, giống như bạn đi ăn một bữa tiệc, đến chỉ việc ăn cỗ, các món đã được bày sẵn trên bàn với sơn hào hải vị xong là đi về, nhưng cũng có khi bạn đi ăn một bữa tiệc mà trong đó các món sơn hào hải vị không được bày sẵn ra đó. Mà đôi khi cứ bày tiệc ra các khán giả sẽ dễ sinh hư nữa chứ.

Một số cảnh cuối phim, kỹ xảo điện ảnh có vẻ hơi lộ liễu. Vậy anh có thể giải thích, và anh có thể cho biết với nhiều cảnh quay kỹ xảo thì chi phí cho bộ phim có tốn kém?

- Khi chúng tôi quay những cảnh cuối cùng cũng bị gấp gáp về thời gian để tham gia dự thi LHP, vì thế có những điều chưa được theo ý muốn hoàn toàn.

Nhưng tôi nghĩ lần đầu tiên mình làm được kỹ xảo như thế đã là một thành công rồi, bởi trong hoàn cảnh nước ta về kỹ xảo đang là một cái gì đó còn rất mới, cộng với chi phí lại không tốn nhiều như ở nước ngoài.

Sở dĩ tôi nói thế, bởi trước khi quay bộ phim “Đam mê” tôi đã sang Hồng Kông (Trung Quốc) để tham khảo giá ở bên đó, thì ở bên Hồng Kông mỗi một cảnh quay kỹ xảo có giá 150 nghìn USD trong khi đó bộ phim này có đến 20 cảnh quay kỹ xảo, nhưng chỉ tốn có 300 nghìn USD.

img
Các thành viên Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 2.

Chúng tôi đã mất 3 tháng về các cảnh quay kỹ xảo, và cả ekip làm phim của chúng tôi đã rất, rất cố gắng về việc làm kỹ xảo cho “Đam mê”. Bởi với những cảnh mà diễn viên Trung Dũng đi giữa bầy hổ như đi giữa một bầy thú nuôi là một điều không tưởng và chúng tôi cũng không dám mạo hiểm đến tính mạng diễn viên như vậy. Và tổng kinh phí cho “Đam mê” là khoảng 6 tỷ.

Bộ phim dường như kết cấu không liền mạch, vậy xin hỏi đạo diễn có phải bộ phim đã bị cắt một số đoạn?

- Có rất nhiều nhà báo đã hỏi tôi câu này, tôi xin nói thế này: Mỗi bộ phim làm ra, mọi người hay nói giá như thế này, giá như thế kia…nên khi làm phim người đạo diễn phải dám đương đầu, dám chấp nhận với sự kiểm duyệt và nhiều khó khăn, thử thách khác. Vậy tôi sẽ không tiết lộ bộ phim có bị cắt một số đoạn hay không bị cắt, bởi có cắt hay không thì sự việc xảy ra rồi, vì thế tôi đã hèn rồi và tôi sẽ không hèn lần thứ hai nữa để nói cho bạn biết (cười).

Đạo diễn đã xem nhiều phim dự thi chưa và anh thấy đối thủ của mình như thế nào. Đạo diễn đánh giá cao phim nào nhất?

Tôi đã xem hai phim, một là "Oán hận" của Iran, hai là phim “Bài ca của sự im lặng” của Trung Quốc và tôi thấy đối thủ của mình mạnh lắm. So với Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 1 thì năm nay làm tốt hơn, điều đặc biệt là những phim của điện ảnh Châu Á cũng ngày càng làm tốt hơn.

img
Đạo diễn Nhuệ Giang, NSND Như Quỳnh cùng các giám khảo khác đến xem chiếu phim dự thi tại rạp Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Hà Nội, ngày 27.11.2012

Theo tôi nghĩ, nếu như chúng ta làm những phim mang màu sắc của Á Đông như phim này thì chúng ta không có nhiều lợi thế. Nếu ở liên hoan phim khác thì không nói làm gì, nhưng với LHPHQT HN lần 2 này rất nhiều phim mang tính Á Đông, nên đó sẽ là một khó khăn cho phim của nước chủ nhà.

Đạo diễn kỳ vọng về phim của mình như thế nào. Bao nhiều phần trăm cho “Đam mê” được đoạt giải?

Có lẽ điều hy vọng nhất trong “Đam mê” là một ngôn ngữ mới mẻ, bên cạnh những vấn đề được đặt ra vẫn là những vấn đề hết sức bức xúc ở phạm vi Châu Á, cho nên tôi cũng hy vọng đó sẽ là điểm cộng nào đó cho bộ phim.

Xin cám ơn đạo diễn!