Biến thách thức thành cơ hội
Mở màn phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) hỏi: “Nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ có giải pháp gì xây dựng một nền kinh tế tự chủ hội nhập, không phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là người hàng xóm xấu tính?” Cùng chung một nỗi lo lắng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM); ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) chất vấn Chính phủ có giải pháp gì đột phá hơn để thoát hẳn khỏi sự lệ thuộc của Trung Quốc về nguyên vật liệu: “Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ chuẩn bị quyết tâm như thế nào để biến thách thức thành cơ hội?”.
Trước những câu hỏi mang tính thời sự và cũng là vấn đề sống còn của quốc gia, một cách khá tự tin và rành mạch, Phó Thủ tướng chia sẻ: Đường lối của ta là đa phương hóa, đa dạng hóa nền kinh tế. Chúng ta không phụ thuộc về kinh tế với bất cứ nước nào. Tuy nhiên, trong một thế giới phẳng, chúng ta không thể độc lập hoàn toàn. Giải pháp của Chính phủ là: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế cùng với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiệu quả, chất lượng. Ta đang có thế mạnh về thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, chọn lọc, đặc biệt là những dự án mang hàm lượng KHCN cao, đảm bảo môi trường tốt hơn cho VN. Thúc đẩy sức mạnh nội tại của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Một giải pháp nữa là đẩy mạnh thị trường: Ta đã có chủ trương đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, phát triển các vùng nguyên vật liệu trong nước mạnh mẽ hơn. Từ 2010, Chính phủ đã đa dạng hóa thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài với 6 hiệp định thương mại lớn với các nước lớn. Tới đây chúng ta có thêm TPP, đến 2015, có 16 cái AFTA với 55 nước và vùng lãnh thổ có tiềm lực kinh tế mạnh, mở ra sự đa dạng thương mại.
Về ý của ĐB Trần Du Lịch hỏi Chính phủ có biện pháp đột phá nào để tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết: “Có 4 việc chúng ta phải làm ngay. Trong đó có tháo gỡ thể chế và nguồn nhân lực cấp cao. Cải tiến mạnh hơn nữa nền kinh tế theo định hướng thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh... Phải có quyết tâm và biện pháp mạnh để tái cơ cấu nền kinh tế”.
Lo cho người trồng lúa và ngư dân
Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về việc người nông dân trồng lúa lãi thấp so với giá thành, Phó Thủ tướng phân tích: Nước ta có 3,8 triệu ha là đất trồng lúa nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng lúa như khuyến nông, hỗ trợ thủy lợi phí, giống, công tác sau thu hoạch… Đặc biệt có chính sách người trồng lúa đạt 1ha/năm sẽ được thêm 500.000 đồng; chính sách tạm trữ 1 triệu tấn lúa ở ĐBSCL. Giá lúa hiện nay ở ĐBSCL từ 5.000 – 5.400 đồng/kg, đảm bảo lãi trên 30% so với giá thành. Năng suất như Bộ trưởng Phát khẳng định là tăng gần 600.000 tấn riêng ở ĐBSCL. Còn một số nơi không thể lãi như vậy do địa hình không thuận lợi.
“Do đó phải tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp, 3,8 triệu ha không nhất thiết phải trồng lúa, có thể trồng hoa màu, cái gì có năng suất, giá trị cao thì trồng. Bên cạnh đó, phải thực hiện đồng bộ chính sách cho người trồng lúa ở các địa phương. Nếu vậy người trồng lúa dứt khoát sẽ lãi trên 30%”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thái Học về giải pháp để chính sách ưu đãi tín dụng mà Chính phủ vừa phê duyệt đến được với ngư dân kịp thời nhất, Phó Thủ tướng thông tin: Chủ trương dành 16 nghìn tỷ hỗ trợ ngư dân và lực lượng thực thi pháp luật trên biển cũng như 10 nghìn tỷ cho ngư dân vay vốn để phát triển kinh tế biển, hiện Chính phủ đang giao cho Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trực tiếp triển khai bằng các văn bản cụ thể. Chính phủ cũng giao cho chủ tịch 28 tỉnh có biển thực hiện tốt chủ trương này, làm sao nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tới tay người dân thuận lợi và nhanh chóng nhất. “Đầu tháng 7 sẽ có nghị định chi tiết quy định chính sách này để phát triển kinh tế biển thời gian tới”- Phó Thủ tướng nói.