Trung Quốc hành xử bất chấp luật
Buổi tuyên truyền có sự phối hợp của UBND xã Lập Lễ, với Cụm đặc nhiệm phòng chống ma túy số 1 – Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Đồn Biên phòng Tràng Cát – Bộ chỉ huy Biên phòng Hải Phòng.
Nói chuyện với bà con, thiếu tá Phạm Ngọc Tuyển – Chính trị viên Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy số 1 đã trình bày những kiến thức cơ bản về đường cơ sở, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế… quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển theo Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển và Luật Biển Việt Nam năm 2013.
Áp dụng các quy định, Luật Biển quốc tế vào việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông, thiếu tá Tuyển cho biết, Trung Quốc đang vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước ta trên vùng biển này. Ngang ngược hơn, phía Trung Quốc còn dùng các tàu quân sự với ý đồ đe dọa sử dụng vũ lực.
Hiện nay, các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Việc hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trên biển cũng góp phần phản đối hành động sai trái của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của ta.
Thiếu tá Tuyển và lực lượng Biên phòng Hải Phòng cũng tư vấn, để có thể hỗ trợ nhau trên biển khi các tình huống bất ngờ xảy ra, tốt nhất trong mỗi chuyến đi bà con ngư dân nên tổ chức đi theo nhóm tàu từ 5 tàu trở lên, trong đêm tối hoặc nghỉ ngơi trên biển cần cử người cảnh giới.
Thêm niềm tin bám biển
Buổi tuyên truyền giúp cho các chủ phương tiện có thêm kiến thức, ý thức về chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt, ngư dân có thêm niềm tin khi các lực lượng thực thi pháp luật của ta luôn bên cạnh hỗ trợ, bảo vệ.
Ngư dân Vũ Văn Thể - chủ tàu HP90539 TS cho biết, anh đang cùng các thuyền viên vệ sinh tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi dài ngày sắp tới. Nói về sự việc của chủ tàu Nguyễn Đức Quang HP 90258 TS xảy ra ngày 6.6 vừa qua trên vùng biển vịnh Bắc Bộ của ta, anh Thể nói giọng chắc nịch: “Biển của ta ta đánh bắt, có ngại gì đâu. Họ làm trái thì họ mới sợ chứ”.
Ngoài anh Thể, các chủ tàu khác cũng khẳng định, vịnh Bắc Bộ, vùng biển Hoàng Sa và vùng biển phía nam là những ngư trường truyền thống của ngư dân đã được khẳng định chủ quyền, đúng theo Luật Biển quốc tế nên không có lý do gì để ngư dân bỏ đánh bắt ở đây.
Không chỉ những tàu đã đi đánh bắt, các chủ phương tiện đang đóng tàu cũng gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để ra khơi đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền.
Anh Đinh Khắc Thăng (SN 1969– chủ cơ sở đóng tàu tại bến tàu cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) cho biết, cơ sở của anh hiện đang đóng mới 10 chiếc tàu cá, chủ yếu là tàu 500CV trở lên, trong đó có một tàu lớn nhất dự kiến lắp máy gần 1.000 CV. Các tàu đều được bịt inox ở mũi và thành tàu, thậm chí một số tàu còn thiết kế thêm ganh sắt xung quanh để chống tàu lạ tiếp cận.
Anh Vũ Văn Hường – một chủ tàu cho biết đang đóng con tàu 550CV, trọng tải trên 50 tấn, với mức đầu tư 6 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 7 tới, xong các thủ tục cần thiết là anh cho tàu ra khơi đánh cá.
Tuy nhiên, để đóng những con tàu đủ mạnh để vươn khơi, điều khó khăn nhất với ngư dân vẫn là vốn. Anh Hường cho biết, với mức đầu tư trên anh phải vay thêm bên ngoài 2 tỷ đồng nữa. Do đó, không chỉ anh Hường, các chủ tàu khác đều bày tỏ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ vốn vay đóng tàu lớn, tàu sắt để yên tâm trước mọi tình huống trên biển.