Theo bà Minh, có rất nhiều vấn đề xung quanh con số 72.000 cử nhân thất nghiệp, trong đó có 2 nguyên nhân chính là đào tạo nghề và phân luồng giáo dục. Đó là điều mà Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận chưa thẳng thắn nhìn nhận trong phiên trả lời chất vấn ngày 11.6.
50% chỉ tiêu cho trường công là đủ
Tinh thần của Nghị quyết 40 xác định, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đi kèm với đổi mới chương trình SGK phổ thông, đổi mới phương pháp dạy, lấy người học làm trung tâm và có thiết bị trợ giảng. Tuy nhiên, tất cả các mục tiêu này sẽ rất khó đạt được khi các trường học của ta đều đang trong tình trạng quá tải.
Vướng mắc này là do việc phân luồng không hiệu quả và chưa làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Bà Minh ví dụ, hiện nay ta đang khống chế tỷ lệ tuyển sinh vào THPT là 70%, 30% còn lại cho học nghề, nhưng không có sự khống chế chỉ tiêu vào trường công và trường tư.
Bà Minh cũng cho rằng: “Từ trước đến nay, chúng ta cứ quẩn quanh không có lối thoát cho việc phân luồng mà theo tôi mấu chốt của việc này lại khá đơn giản”. Bà Minh đưa ra giải pháp là chỉ cần khống chế chỉ tiêu, phân bổ ngân sách dựa trên… diện tích sàn. Hiện nay tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia đã dựa trên diện tích sàn. Tuy nhiên, về chỉ tiêu tuyển sinh và ngân sách cấp cho việc này lại không dựa trên diện tích sàn, khiến cho các lớp công lập thường quá đông trong khi nhiều trường dân lập có đủ cơ sở vật chất thì lại không được tuyển sinh đủ.
“Phân luồng không hiệu quả ngay từ cấp THPT chính là “nút thắt” đầu tiên của bài toán 72.000 cử nhân thất nghiệp” – bà Minh nói.
Trường nghề đang… đi ngược
“Thực tế, người dân không phải chỉ thích cho con em mình vào đại học để rồi phải đứng trong con số 72.000 cử nhân thất nghiệp kia. Người ta cũng muốn cho con học nghề nhưng phải chắc có việc làm sau khi ra trường” – bà Minh khẳng định.
Theo bà Minh, nhiều trường nghề cần tuyển 200 người, có 300 hồ sơ nộp, như vậy chứng tỏ nhu cầu xã hội vẫn cần. Nhưng cái cần là việc phải được cam kết tạo việc làm sau khi ra trường. Các trường nghề cứ than phiền không tuyển đủ, học sinh không mặn mà nhưng thực tế họ phải nhìn lại mình.
Theo bà Minh, các trường nghề phải thay đổi phương pháp đào tạo, cụ thể là phải đào tạo theo địa chỉ. Kế tiếp là phải thay đổi chương trình, phối hợp với những nơi tuyển dụng lao động để điều chỉnh chương trình theo nhu cầu của họ, không thể để các doanh nghiệp phải đào tạo lại “sản phẩm” của trường mình.
Bên cạnh đó, theo bà Minh, Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính cũng phải phối hợp để có những cơ chế ràng buộc đối với các trường nghề. “Hiện nay, ngân sách đào tạo chỉ phân bổ dựa trên đầu học sinh. Như thế là không ổn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với Quốc hội nên thay đổi cách làm này, cụ thể là chỉ “tạm ứng” ngân sách theo chỉ tiêu đầu vào, sau đó quyết toán ngân sách theo số lượng học sinh ra trường có việc làm” – bà Minh nói.