Thưa ông, dù chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng (PCTN) nhưng tại sao tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, đặc biệt là tham nhũng vặt?
- Tham nhũng vặt vẫn diễn ra hàng ngày, liên quan đến hoạt động của các cơ quan công quyền. Từ những giao dịch bình thường để giải quyết vụ việc cụ thể nếu có tham nhũng là tham nhũng nhỏ. Loại này diễn ra không phải là ít. Tại sao loại tham nhũng vặt khó phát hiện và xử lý vì có thể do người hối lộ chủ động đưa người có cương vị vào thế như vậy, còn người có cương vị do lòng tham, hoặc có những hạn chế khó khăn về kinh tế.
Hai bên có nhu cầu, anh đưa hối lộ cũng có nhu cầu, với khoản "bôi trơn" nhỏ thường người dân chủ động. Sau khi đưa tiền anh được việc thì cũng chẳng bao giờ lại đi tố cáo người nhận. Cũng có trường hợp mất tiền nhưng không được việc nhưng họ cũng chỉ nói ở chỗ này, chỗ kia nhưng chẳng đi tố cáo, bởi cũng chẳng có bằng chứng, việc giao nhận tiền chỉ có hai người với nhau.
Với không ít vụ án gây thất thoát của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, ví dụ như vụ Vinashin nhưng đối tượng vi phạm lại không bị truy tố về hành vi tham nhũng thưa ông?
- Đối với tham nhũng quy mô lớn, liên quan đến các dự án đầu tư, chúng ta cũng đã phát hiện được một số vụ việc nhưng chưa nhiều. Việc phát hiện ra những vụ việc gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước nhưng tìm yếu tố chứng minh được tham nhũng của các cá nhân liên quan là khó, thường các đối tượng chỉ bị truy tố tội cố ý làm trái hay thiếu trách nhiệm.
Bởi tại sao, nếu anh đưa hối lộ mà nói ra thì anh cũng là người có tội, người đưa - người trung gian - người nhận đều là phạm tội mà trong tham nhũng điển hình nhiều nhất là tội nhận hối lộ. Chính vì thế, thường cơ quan tố tụng chỉ quy các đối tượng về tội cố ý làm trái, hay thiếu trách nhiệm gây hậu quả trước việc sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước.
Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan mình theo ông có tích cực?
- Việc quy trách nhiệm người đứng đầu cũng có cái đúng, cái hay, cái tốt nhưng cũng có hạn chế. Chẳng hạn một ông lãnh đạo bản thân tốt, hoàn toàn không có tham nhũng gì nhưng có cán bộ thuộc cấp dưới của ông ta tham nhũng, thì ông cũng phải chịu trách nhiệm.
Chính vì thế làm sao ông ấy chủ động, tích cực kiểm soát, thậm chí ông ấy biết còn bày cách cho cấp dưới trốn trách nhiệm trước pháp luật để giảm trách nhiệm cho ông ta. Vì thế, cũng cần phải tính lại quy định trên để khuyến khích thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan chủ động phát hiện ra tham nhũng ở cơ quan thì anh không bị trách nhiệm mà còn được khen thưởng. Phải có quy định rõ mới có tác dụng tích cực.
Xin cảm ơn ông