... Đây là đề xuất của đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa đưa ra, sau khi đi thăm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (nhóm LGBT) cuối tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, vấn đề này đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối quyết liệt.
Ước mơ hạnh phúc của cô gái đồng tính nữ
Chu Thanh Hà (22 tuổi, SV Đại học Thăng Long) nhỏ nhắn và “xinh trai”. Cô cắt tóc ngắn, ăn mặc theo phong cách “boy” năng động. Cô không hề giấu mình là một nữ đồng tính. Hiện tại, cô cũng công khai với bố mẹ và bạn bè. Tuy nhiên, theo lời tâm sự của Hà, suốt tuổi thơ cô đã phải đấu tranh, vật lộn với quá trình tìm lại bản ngã của mình.
Những đám cưới đồng tính hiếm hoi tại Việt Nam và chưa được pháp luật thừa nhận. Ảnh minh hoạ |
Hà cho biết, ngay từ lớp 5, cô chỉ thích tụ tập với tụi con trai và thân thiết với 1 - 2 cô gái chứ không thích chơi với cả đám bạn gái. Lên cấp 2, cô thân thiết đến mức mất ăn, mất ngủ với một bạn nữ cùng lớp. Nhưng tuổi học trò trong sáng nên cô không rõ tình cảm đó là gì.
Đến năm lớp 11, tình cảm đó cũng chấm dứt, để lại trong lòng cô một khoảng trống không thể lý giải nổi. Khi xem một bộ phim đồng giới, cô lờ mờ nhận ra sự khác lạ của mình. Để nhận diện bản thân, cô đã đọc tài liệu, tìm đến cộng đồng người đồng tính tiếp xúc, trao đổi và dám khẳng định “mình là đồng tính nữ”.
Trong lần tham gia sinh hoạt CLB guitar trong cộng đồng LGBT, tình yêu đã mỉm cười với Hà. Bạn gái của Hà hiểu và yêu Hà chân thành. “Bất cứ người yêu nhau nào cũng đều có mong muốn được bày tỏ tình yêu của mình dưới ánh sáng.
Tuy nhiên, bạn gái em chưa thể công khai nên hai đứa chỉ có thể sánh đôi bên nhau như hai người bạn. Đôi lúc em cũng cảm thấy buồn bực, khổ sở. Tình yêu của chúng em cũng mong manh, thiếu sự cam kết, ràng buộc khi luôn ở “trong tối”. Nhưng vì bạn gái, em vẫn cố gắng chịu đựng” - Hà tâm sự.
Hà mong rằng hôn nhân đồng tính sẽ được cân nhắc và đưa vào luật. “Bởi vì khi luật công nhận thì quyền được yêu, được chung sống của chúng em mới được đảm bảo. Mọi người cũng sẽ hiểu hơn về người đồng tính, bớt kỳ thị, định kiến với chúng em. Em và bạn em sẽ đợi đến ngày được là vợ chồng trong một ngôi nhà hạnh phúc” - Hà mơ ước.
Hoạt động ngoại khóa nhằm tôn vinh sự đa dạng của giới tính |
Vẫn còn nhiều tranh cãi
“Người đồng tính luôn chiếm khoảng 2-3% dân số. Lịch sử đã ghi lại nhiều dấu ấn của người đồng tính từ xưa đến nay, thậm chí, các nước đã cho phép kết hôn đồng tính như Thụy Điển, Canada cũng không hề có “biến động” về số lượng người đồng tính trong cộng đồng. Vì thế, quan điểm “công nhận hôn nhân đồng tính sẽ nguy hại đến giống nòi” không hề có căn cứ” - TS Lê Quang Bình (Viện trưởng iSEE).
Hiện nay, hiểu biết đúng của người dân về đồng tính còn rất hạn chế. Theo nghiên cứu về quan điểm xã hội đối với đồng tính và hôn nhân đồng giới do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) vừa công bố, chỉ có 13% (trong tổng số gần 900 người được hỏi) có kiến thức đúng về đồng tính. 87% còn lại có nhiều kiến thức sai và 89% kỳ thị người đồng tính ở nhiều mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, khi được hỏi về quyền của người đồng tính, 77% số người cho biết pháp luật cần bảo vệ quyền của người đồng tính, 75% ủng hộ việc người đồng tính nhận con nuôi. 36% ủng hộ quyền kết hôn giữa những người đồng tính, 58% phản đối.
Bà Nguyễn Thu Nam, nghiên cứu viên, nhận định: “Tuy tỷ lệ ủng hộ về quyền cơ bản thì cao nhưng khi đi sâu vào quyền kết hôn hiện còn là đặc quyền của người dị tính thì mới bộc lộ được định kiến sâu sắc”.
Theo bà Nam, quyền kết hôn không chỉ đem lại cho người đồng tính một cuộc sống hạnh phúc mà còn liên quan đến nhiều quyền khác như quyền thừa kế, quyền khai sinh cho con, phân chia tài sản, quyền nuôi con, quyền nhận con nuôi…
Có không ít cặp đồng tính chung sống với nhau nhưng khi một người mất thì họ hàng đến đuổi người kia ra khỏi nhà tay trắng. Ngay khi có con (theo phương pháp thụ tinh nhân tạo) thì không thể ghi hai mẹ hoặc hai bố trong giấy khai sinh của con…
Cũng tại hội thảo nhằm chia sẻ quan điểm về hôn nhân đồng tính do iSEE vừa tổ chức, PGS.TS Phùng Trung Tập - trưởng bộ môn Luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội - cho rằng không nên công nhận hôn nhân đồng tính, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống. Đồng thời, ông cho rằng có thể thừa nhận việc người đồng tính yêu nhau, quan hệ với nhau về cảm xúc, thể xác nhưng văn hóa, dân trí, quan điểm sống của nước ta chưa phù hợp để công nhận hôn nhân đồng giới.
Quan điểm của ông vấp phải sự phản đối quyết liệt. Vũ Phương Linh - SV năm nhất ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết nếu theo quan điểm của PGS.TS Lập thì nên cấm cả người vô sinh và người cao tuổi kết hôn với nhau vì “cả hai nhóm đối tượng đó đều không thể sinh con đẻ cái”.
Một đại diện Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết đây là vấn đề cần phải thận trọng, cân nhắc. Bởi khi nói tới vấn đề đồng tính quá nhiều, hoặc vội vã đưa vào luật, có thể “đánh thức” chủ nghĩa độc tôn của người dị tính vốn xưa nay “ngủ yên”. Khi họ cảm thấy người đồng tính xuất hiện quá nhiều, họ sẽ có tâm lý lo ngại quyền lợi “dị tính” của họ bị xâm lấn. Lúc đó, họ sẽ có thái độ xét nét, kỳ thị, bài xích đối với người đồng tính nhiều hơn.
Một đại diện khác cho biết nên cung cấp cho 87% người chưa có kiến thức đúng đắn trước khi đưa vấn đề hôn nhân đồng tính vào luật. “Chúng ta đừng vội vã chạy theo trào lưu chấp nhận hôn nhân đồng tính của thế giới. Sửa đổi luật đã phải thận trọng, sửa đổi luật liên quan đến quan niệm sống của phần lớn người dân càng phải thận trọng hơn. Nếu không, lợi ích của nhóm thiểu số chưa thấy, cuộc sống của nhóm đa số sẽ bị ảnh hưởng, rối ren” - đại diện xin giấu tên này cho biết.