Dân Việt

Chàng “thi sĩ tật nguyền” đi xe lăn hỏi vợ bằng thơ

06/01/2013 13:15 GMT+7
(Dân Việt) - Đã là người làng Chùa, không ai không biết tới anh Cao Văn Thi - người đàn ông tật nguyền, hằng ngày sống trên chiếc xe lăn nhưng vẫn hết mình vì thơ, sống bằng tình yêu thơ và lấy vợ… cũng nhờ thơ.

Người dân làng Chùa (xã Hòa Dương, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội) có thể thiếu thốn về vật chất nhưng không thể thiếu thơ. Thơ ca nhiều khi lại là cứu cánh đối với những cuộc đời thiếu may mắn. Vì thế, đã là người làng Chùa, không ai không biết tới anh Cao Văn Thi - người đàn ông tật nguyền, hằng ngày sống trên chiếc xe lăn nhưng vẫn hết mình vì thơ, sống bằng tình yêu thơ và lấy vợ… cũng nhờ thơ.

Anh Cao Văn Thi (SN 1952) sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó. Cuộc sống cùng cực, vất vả nhưng cha mẹ anh vẫn quyết tâm cho con được ăn học đàng hoàng. Ngay từ nhỏ, cậu bé Thi đã tỏ ra rất thông minh, hiếu học, thích thơ ca. Anh luôn có mặt trong các buổi văn nghệ của làng. Ai cũng quý anh bởi tính cởi mở, hoạt bát. Cha mẹ rất vừa lòng vì anh tuy là con thứ nhưng luôn đảm đương nhiều việc lớn trong nhà.

img
Anh Thi bên người vợ tảo tần, chung thủy

Bi kịch cuộc đời

Bi kịch ập đến với anh vào một ngày hè năm 17 tuổi. Trong lần đi làm đồng, anh Thi bị cảm rồi bỗng nhiên nửa người tê liệt, không cử động được. Sau trận ốm ấy, gân chân, gân tay rút lại làm tứ chi anh co quắp rồi dần teo tóp chỉ còn da bọc xương. Gia đình đưa anh đi chữa trị khắp nơi với mọi phương pháp nhưng bệnh tình anh ngày càng xấu đi.

Từ một thanh niên to cao, khỏe mạnh, nay phải nằm liệt giường đối phó với những cơn đau buốt khủng khiếp, nhiều lúc anh Thi tưởng chừng gục ngã. Bạn bè tới chơi, động viên cũng vãn dần bởi ai nấy đều có công việc của mình. Chỉ còn lại cha mẹ thương con luôn túc trực chăm lo bên cạnh.

Đông con, cuộc sống gia đình vốn nghèo nàn, nay lại càng khánh kiệt vì chữa chạy thuốc men cho anh. Của cải trong gia đình cứ theo nhau đi mà bệnh tình thì chẳng hề thuyên giảm. Đã nhiều lần anh có ý định quyên sinh mong bớt đi gánh nặng cho cha mẹ, thoát khỏi khổ đau. Nhưng rồi tình thương của gia đình đã giúp anh vượt qua bệnh tật.

Biết không thể phó mặc cho số phận, anh tìm đến thơ ca làm động lực để đứng lên. Được người em tốt bụng cho chiếc xe lăn, anh chịu khó ra ngoài, giao lưu với mọi người, giảm bớt mặc cảm, tự ti và chia sẻ niềm yêu thơ của mình. Anh được ông Ngô Gia Tự - hội trưởng Hội thơ làng Chùa lúc bấy giờ - giới thiệu vào hội. Những ngày tham gia phê bình thơ, làm thơ đã khiến anh quên đi nỗi buồn và trở nên yêu đời hơn. Không những thế, cũng nhờ thơ mà anh Thi còn hỏi cưới được… người vợ bây giờ.

Tình yêu cổ tích

Người vợ anh Thi hiện tại - chị Nguyễn Thị Tới (55 tuổi) - cũng là người tật nguyền, mang trong mình di chứng của căn bệnh u dây thần kinh mắt. Người phụ nữ ấy lúc nào cũng phải quấn chiếc khăn trên đầu, dán băng gần 2 mí mắt để những khối u thần kinh khỏi kéo sệ mắt, không nhìn thấy. “Căn bệnh của tôi vào mùa hè rất khó chịu, đôi mắt cứ luôn bị chùng xuống, mồ hôi vào xót mắt lắm. Cái đầu lúc nào cũng đau như búa bổ”- chị Tới chia sẻ.

Anh Thi và chị Tới quen nhau trong một lần cùng đi chữa trị ở bệnh viện thị trấn. Chị Tới đã mến phục nhân cách, sự hiểu biết và tâm hồn dào dạt tình cảm chất chứa trong những vần thơ của anh. Qua nhiều lần chuyện trò, chị nhận ra ở gần anh khiến chị vui vẻ, thoải mái và yêu đời. Anh Thi xúc động khi nhắc đến bài thơ mà mình đã tặng cho chị Tới trong lần đầu gặp mặt: “Em tặng anh bông hoa/Em cài lên mái tóc/Đẹp như một bài ca/Như một vầng dương mọc…”.

Ngày gia đình anh Thi sang hỏi cưới, rất nhiều người trong gia đình chị Tới ra sức can ngăn. Thấy anh Thi là người tật nguyền, cha mẹ chị sợ con gái khổ. Lúc đó, bằng tình yêu thương sâu sắc của mình, chị Tới vừa khóc vừa giãi bày với mẹ cha: “Bố mẹ cứ cho con lấy anh, chúng con yêu nhau, sau này sướng khổ thế nào con chấp nhận.

Con cũng là người bệnh tật, có lấy người khác rồi sau này cũng bị nhà người ta khinh rẻ mà thôi”. Nghe con gái nói, cha mẹ chị đành ngậm ngùi đồng ý. Hôn lễ giữa hai người được tổ chức đơn giản, không trống nhạc linh đình nhưng nhận được nhiều lời chúc phúc.

Sau khi lấy nhau, anh chị sinh được 3 người con (2 gái, 1 trai). Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, chỉ trông vào 5 sào ruộng và một mình chị Tới. Anh chị lại thường xuyên đau ốm nên cuộc sống lại càng khốn khó hơn. Dẫu vậy, anh Thi vẫn không lúc nào quên công việc làm thơ để có nghị lực sống khỏe, sống có ích. Hiện số thơ anh làm đã ngót nghét vài trăm bài.

Những vần thơ của anh cũng như bao “thi sĩ” của vùng quê này, mộc mạc, chân thành và cháy bỏng một tình yêu quê hương, yêu con người tha thiết. Anh thường nói vui với mọi người rằng: Nếu không có thơ để giãi bày chắc anh đã chết từ lâu rồi. Chính thơ ca đã giúp anh vượt qua những đau khổ, bất hạnh để vươn tới niềm vui và hạnh phúc.

Theo Dòng Đời