Dân Việt

Quốc hội thảo luận về lấy, bỏ phiếu tín nhiệm: “Bất tài thì phải sa thải”

Long Nguyên 14/06/2014 09:32 GMT+7

Ngày 13.6, thảo luận về dự thảo Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm (LPTN), bỏ phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề nghị: Một nhiệm kỳ nên LPTN 2 lần và nên để 2 mức LPTN nhằm tạo hiệu quả cao nhất trong công tác đánh giá cán bộ.

Khi trình Quốc hội sửa Nghị quyết 35, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 35 đã xác định mục đích của việc LPTN là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhằm giúp người đó tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót.

Ý kiến
img
Ông Nguyễn Bá Thuyền Đại biểu Quốc hội (Lâm Đồng)
  Về nội dung nghị quyết, cái dân chê nhất thì không sửa là vẫn giữ nguyên 3 mức lấy phiếu: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.  
Kết quả LPTN cũng là một cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm và giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Vì vậy, việc xác định 3 mức tín nhiệm như quy định của Nghị quyết số 35 là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ.

 

Nếu chỉ quy định 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm khi xem xét trách nhiệm của cán bộ. UBTV cũng trình sửa sẽ chỉ LPTN một lần/nhiệm kỳ thay vì lấy 1 năm/lần như hiện nay.

Tuy nhiên, theo Ủy ban TVQH, qua các đợt thảo luận, lấy ý kiến trước, đa số ĐBQH không đồng ý để 3 mức tín nhiệm mà đề nghị chỉ nên có 2 mức: Tín nhiệm và không tín nhiệm.

Lấy phiếu 2 lần để tăng tính giám sát

Tại phiên thảo luận, nhấn mạnh việc LPTN gắn với xem xét, đánh giá cán bộ, để cán bộ tự soi mình, tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình, nhiều đại biểu nhấn mạnh việc tăng số lần lấy phiếu từ 1 lên 2 lần trong một nhiệm kỳ.

ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu) cho biết: “Mỗi nhiệm kỳ chỉ LPTN một lần thì khó bảo đảm chất lượng bởi nhiều người được lấy phiếu nghĩ thời gian còn dài nên sinh ra tâm lý ỷ lại, hết nhiệm kỳ sẽ nghỉ hưu nên tính kịp thời trong đánh giá cán bộ bị triệt tiêu hoàn toàn”.

Ông Ươi cũng đề xuất, mỗi nhiệm kỳ nên LPTN vào thời điểm cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 để việc LPTN mang tính chủ động, khắc phục được nhiều hạn chế.

"LPTN không phù hợp với Hiến pháp vì Hiến pháp chỉ quy định bỏ phiếu tín nhiệm. Quốc hội cần phải làm theo Hiến pháp, chứ nếu chúng ta làm thế này thì phải nói với dân như thế nào?”.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết thêm: “LPTN 2 lần trong một nhiệm kỳ chính là tăng cường tính giám sát, để người được lấy phiếu biết mình có những nhược điểm gì mà khắc phục. Lấy phiếu lần thứ 2 cũng là một kênh rất quan trọng để tạo hiệu quả trong công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội Đảng hay HĐND cận kề trong việc bố trí cán bộ ở nhiệm kỳ tiếp theo”.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) nói thẳng: “Dự thảo quy định một nhiệm kỳ lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ, tức là thời điểm 2,5 năm của nhiệm kỳ. Vậy trong 2,5 năm còn lại của nhiệm kỳ thì ai đánh giá? Vì vậy việc LPTN 2 lần trong 1 nhiệm kỳ là rất cần thiết”.

Cần người vì xã tắc chứ không phải ngồi “đếm phiếu”

Ngoài đề nghị tăng số lần LPTN, các đại biểu phân tích rất sâu để bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc dự thảo vẫn giữ nguyên quy định 3 mức LPTN gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.

 ĐB Nguyễn Bá Thuyền nêu vấn đề cụ thể: “Tôi thấy buồn khi cái dân khen thì sửa, dân chê lại giữ. Cái khen là LPTN hàng năm thì chúng ta sửa, còn 3 mức LPTN bị người dân chê thì ta lại giữ lại. Cần phải có 2 mức LPTN là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” chứ nếu giữ 3 mức thì rất phức tạp và không được lòng dân”.

Phân tích thêm xung quanh vấn đề, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho biết: “Nếu cứ để 3 mức như dự thảo thì an toàn quá, cử tri chắc chắn không đồng tình. Trong trường hợp muốn duy trì 3 mức thì phải để tên là “tiếp tục được giao”, “bố trí công tác khác” và “nên từ chức” để việc LPTN mang tính rõ ràng”. ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cũng nhận định: “Ba mức LPTN là mang tính hình thức nhiều hơn là thận trọng”.

Quyết liệt nhất khi phát biểu quanh việc phản đối 3 mức LPTN, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) khẳng định: “Thực chất, LPTN không chỉ cảnh tỉnh mà còn tạo phấn khích vì người dân Việt Nam rất trọng danh dự, không ai muốn bị đánh giá thấp. Nếu ăn lương của dân mà bất tài thì cần phải sa thải ngay, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn. Chúng ta cần người vì xã tắc chứ không phải người cứ ngồi yên chờ phiếu cao. Vì vậy, việc LPTN nên ghi 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” chứ để 3 mức thì nói thật, cử tri sẽ nói đại biểu Quốc hội như thế là thiếu hiểu biết”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng):Cần rút kinh nghiệm cách triển khai
Về dự thảo nghị quyết LPTN các chức danh do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết 35), cá nhân tôi rất buồn vì nghị quyết này do 500 đại biểu thông qua, đang có giá trị thi hành thì bị dừng, phải sửa trong khi chưa có ý kiến của Quốc hội. Dù đã có thư của Chủ tịch Quốc hội, nhưng chúng tôi chưa thể hiện ý kiến mà đã sửa là không đúng, nên rút kinh nghiệm trong cách làm.
Về nội dung nghị quyết, cái dân chê nhất thì không sửa là vẫn giữ nguyên 3 mức lấy phiếu: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Do đó, tôi vẫn đề xuất 2 mức: Tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Có cử tri nói tôi làm đại biểu mà sao kém thế. Người nhiều phiếu tín nhiệm tức là tín nhiệm cao, ít phiếu nghĩa là không tín nhiệm.

ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương): Chỉ nên thực hiện với 2 đối tượng
Về đối tượng LPTN những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn, theo tôi chỉ nên lấy 2 đối tượng: Cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Hai cơ quan đó thuộc quyền giám sát của Quốc hội và cần phải quản lý chất lượng đội ngũ cán bộ này. Con người do Quốc hội bầu ra, quyền giám sát tối cao là của nhân dân nên Quốc hội không cần phải lấy phiếu tín nhiệm.
Thực tế, đội ngũ cán bộ này qua lần LPTN đầu tiên tôi thấy tỷ lệ phiếu rất cao so với cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Về mức LPTN, bỏ phiếu tín nhiệm, tôi tán thành việc giữ nguyên 3 mức, bởi việc lấy phiếu khác với bỏ phiếu, có tính răn đe, cảnh tỉnh với đối tượng Quốc hội cần phải giám sát.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh): Quá đơn giản sao ta không làm được?
Nếu LPTN mỗi nhiệm kỳ 1 lần thì sẽ mâu thuẫn ngay với mục đích của việc lấy phiếu. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội bởi đó cũng là mong muốn của cử tri. Tôi cũng đề nghị 2 mức lấy phiếu tín nhiệm bởi tôi chưa thấy một phiếu tín nhiệm nào lại có 3 mức. Tôi đã cố nhớ nhưng không tìm ra. Ví dụ như ở TP. Hồ Chí Minh, muốn bổ nhiệm một cán bộ nào đó thì phải LPTN và chỉ có 2 mức là “đồng ý” và “không đồng ý”. Lấy phiếu tín nhiệm chỉ có 2 mức thì sẽ đưa ra 2 kết quả cụ thể, rất đơn giản và dễ hiểu như thế, tại sao chúng ta không làm được? Khi cử tri hỏi về vấn đề này, tôi đã không giải thích được. Còn nếu muốn bỏ phiếu theo 3 mức thì cần có cách giải thích khách quan, khoa học và logic hơn.
Hải Phong- A.T (ghi)