Mở đầu Văn bản kiến nghị gửi tới Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP.Hà Nội), VKSND TP.Hà Nội, TAND TP.Hà Nội, hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị Lê Thị Thanh Huyền – nạn nhân xấu số của vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường là luật sư Vũ Gia Trưởng và Phạm Hương Giang (Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, tài liệu của vụ án, các luật sư và gia đình nạn nhân hoàn toàn không đồng tình với quan điểm trong nội dung các bản kết luận điều tra và bản cáo trạng.
Và, để bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ cũng như để góp phần làm sáng tỏ thêm bản chất sự thật của vụ án, các luật sư của bị hại đã đưa ra một số quan điểm kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án.
Cho đến nay, vẫn chưa có một kết quả điều tra thỏa đáng cho vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường từng gây xôn xao dư luận.
Trong văn bản kiến nghị gửi các cơ quan liên quan, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền cũng đưa ra những lời khai chi tiết của các y tá có mặt trong êkíp thực hiện phẫu thuật cho chị Huyền, qua đó chứng minh một điều rằng, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã cố tình thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ khi nạn nhân đã có những biểu hiện bất thường.
Bệnh nhân sùi bọt mép, co giật, bác sĩ vẫn “cố” phẫu thuật
Theo lời khai của y tá Nguyễn Ngọc Thư thì khi bơm được 1-2 ống bơm tiêm thì chị Huyền bắt đầu có biểu hiện co giật, nhưng bác sĩ vẫn tiếp tục hút được 5-6 ống bơm trên mỡ bụng thì dừng lại. Lúc này bác sĩ Tường dùng dao mổ rạch 2 vết nhỏ ở phía dưới 2 bên bầu ngực rồi bắt đầu bơm các ống bơm tiêm chứa dung dịch mỡ bụng vừa hút bơm vào ngực của chị Huyền, khâu 2 vết rạch ở bụng xong thì bác sĩ Tường, y tá Thư và Hoa bê bệnh nhân ra phòng hậu phẫu. Trong quá trình bơm mỡ vào ngực thì bệnh nhân vẫn co giật, sùi bọt mép, người cứng lại.
“Trong suốt quá tình phẫu thuật, chị Huyền luôn trong tình trạng co giật, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, phải thở ô xy. Thấy tình trạng như vây nên cứ khi nào chị Huyền co giật thì bác sĩ Tường lại bảo tiêm Diazepam (thuốc ngủ) và Dimedzon (thuốc chống nôn). Tổng cộng trong quá trình phẫu thuật bác sĩ Tường bảo Hoa tiêm 6 ống Diazepam và 2 ống Dimedzon” – y tá Nguyễn Ngọc Thư khai thêm.
Theo các luật sư của phía bị hại, tại Bút lục 906 ngày 24.10.2013, y tá Thư còn khai: “Bác sĩ tường sát khuẩn cho bệnh nhân, rạch 2 vết trên bụng khoảng 0,3 cm, bơm thuốc tê vào vùng bụng, sau đó bơm tiêm 2 ông Diazepam do Hoa tiêm. Lúc này bác sĩ Tường vẫn tiêm thuốc tê cho bệnh nhân, còn tôi ở đầu giường bệnh nhân. Được khoảng 15 phút sau thì bệnh nhân lên cơn co giật, sùi bọt mép, giật mắt. Thấy vậy, bác sĩ bảo Vân đi mua thuốc chống động kinh Amenazin nhưng không có và bác sĩ Tường vẫn tiếp tục hút mỡ cho bệnh nhân. Lúc này bệnh nhân vẫn lên cơn co giật, còn tôi giữ đầu bệnh nhân nghiêng sang một bên”.
Trong khi đó, y tá Bùi Thị Hoa khai: “Bác sĩ Tường trực tiếp gây tê vào ổ bụng của chị Huyền, trong khi làm thì hết bơm 50 nên chị Vân chạy ra ngoài mua, lúc đó chị Huyền lên cơn co giật, sùi bọt mép thì bác sĩ Tường bảo tôi tiêm Diazepam cho chị Huyền tổng cộng là 5 ống Diazepam và 2 ông Dimedral. Sau đó bác sĩ Tường tiếp tục hút mỡ bụng. Lúc đó chị Thư làm nhiệm vụ giữ tay, tôi giữ chân chị Huyền để bác sĩ Tường tiếp tục hút mỡ từ bụng chị Huyền… Khi lên cơn co giật thì hai chân chị Huyền duỗi thẳng, cứng lại, hai tay giơ lên phía đầu, bàn tay nắm chặt, toàn thân người cứng lại và rung giật, bác sĩ Tường hút mỡ ra ống xi lanh 50, tổng số 11 bơm 50 chứa dịch và mỡ hút từ bụng chị Huyền...”.
Bác sĩ Tường bỏ mặc bệnh nhân đang nguy kịch?
Tại Bút lục 910 ngày 25.10.2013, khi được hỏi trong suốt quãng thời gian chị Huyền bị co giật đến khi chị Huyền tử vong, bác sĩ Tường có hành động, động thái gì không thì y tá Nguyễn Ngọc Thư khai: “Bác sĩ Tường không có hành động, động thái gì cả. Bác sĩ Tường bỏ mặc chị Huyền ở đó. Bác sĩ Tường bỏ đi đâu, làm gì tôi không rõ, chúng tôi gọi mãi bác sĩ mới về thẩm mỹ viện”.
Còn y tá Bùi Thị Hoa khai: “Sau khi cùng bác sĩ Tường đưa chị Huyền ra phòng hậu phẫu để nghỉ, lúc đó chị Huyền vẫn đang lên cơn co giật. Anh Tường bảo y tá Thư theo dõi còn tôi và Vân vào phòng phẫu thuật thu dọn đồ đạc, còn bác sĩ Tường đi ra ngoài trung tâm phẫu thuật ngay sau đó”.
Khi Tường và bạn gái đang đi lễ chùa Quán Sứ thì nhận được điện thoại của nhân viên thông báo tình trạng chị Huyền đang nguy cấp vì có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được.
Trong trường hợp này, bắt buộc Tường phải ra y lệnh cho nhân viên đưa chị Huyền đến cơ sở gần nhất để cấp cứu, nhưng trên thực tế, Tường đã không làm những điều đó mà bắt nhân viên “đợi anh về xử lý”.
Theo đó, trong các lời khai của PGĐ thẩm mỹ viên Cát Tường tên Mai, chị cũng đã nhiều lần gọi điện thông báo tình hình và hỏi ý kiến về việc đưa chị Huyền đi cấp cứu, nhưng Tường một mực nói “anh đang về, chờ anh về xử lý”.
Khi hỏi y tá Thư về nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Huyền, Thư khai: “Theo tôi nếu bác sĩ Tường cấp cứu kịp thời hoặc đưa chị Huyền vào bệnh viện thì có thể chị Huyền chưa chết. Cũng có thể do tiêm quá nhiều thuốc tê và thuốc an thần dẫn đến chị Huyền bị sốc”.
Tại Bút lục 566 ngày 27.10.2013, khi được hỏi: “Khi nhân viên gọi điện thông báo cho anh biết về tình hình nguy kịch của chị Huyền ở thời điểm đó nếu anh đưa chị Huyền vào bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại thì chị Huyền có sống được không?”. Tường khai: “Tôi nghĩ nếu có các trang thiết bị hiện đại như ở bệnh viện ở ngay trung tâm thẩm mỹ thì sẽ cứu được chị Huyền”…
Theo quan điểm của luật sư bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, thì việc Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội, VKSND TP.Hà Nội khởi tố, điều tra và truy tố Nguyễn Mạnh Tường về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” quy định tại khoản 1 Điều 242 BLHS đối với hành vi gây ra cái chết cho chị Lê Thị Thanh Huyền một cách trái pháp luật là không chính xác.
Những hành vi này của Nguyễn Mạnh Tường đã có dấu hiệu phạm vào tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS. Lý lẽ mà luật sư của bị hại đưa ra là do cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường không có giấy phép hoạt động nên đó là “cơ sở giả mạo”, “cơ sở chui” và Nguyễn Mạnh Tường là “bác sĩ giả mạo”, “bác sĩ chui” về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, vì vậy, Nguyễn Mạnh Tường không phải là “đối tượng” để được coi là chủ thể của tội danh được quy định tại Điều 242 BLHS mà phải truy tố Nguyễn Mạnh Tường theo tội danh quy định tại Điều 93 BLHS mới chính xác.
Ngoài ra, hành vi của Nguyễn Mạnh Tường được thực hiện bởi lỗi cố ý, vì hơn ai hết, Nguyễn Mạnh Tường biết mình không có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi phẫu thuật thẩm mỹ trái pháp luật cho chị Huyền.
Luật sư Vũ Gia Trưởng - một trong hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.
Dẫn chứng lời khai của bác sĩ Tường, luật sư phía bị hại cho biết, tại bút lục số 571 ngày 17.11.2013, khi được hỏi: “Anh khai rõ nhận thức thế nào về hành vi của mình?”, Tường đáp: “Bản thân tôi nhận thức được mặc dù tôi là bác sĩ làm việc lâu năm nhưng tôi chỉ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình, việc hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ, nâng ngực… phải có giấy phép của Sở Y tế Hà Nội cấp, nhưng tôi vẫn tiến hành phẫu thuật hút mỡ nâng ngực cho chị Huyền trái quy định, dẫn đến hậu quả chị Huyền đã tử vong là hành vi trái pháp luật”.
Cụ thể, khi phẫu thuật cho chị Huyền, Tường đã một mình đảm nhiệm cả 3 khâu, tự gây tê, gây mê, tự thực hiện thủ thuật hút mỡ bụng nâng ngực, tự hồi sức cấp cứu mặc dù Tường không có chuyên môn gì về cả 3 lĩnh vực này. Vì không có chuyên môn nên hành vi phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền của Tường đã “sai nghiêm trọng” các quy định về chuyên môn khiến chị Huyền tử vong.
Về quy trình hút mỡ và bơm ngực, Tường đã thực hiện một cách rất thủ công và đơn giản.
Theo văn bản kiến nghị của luật sư phía bị hại, thì Nguyễn Mạnh Tường là người trực tiếp gây ra cái chết của chị Huyền.
Cụ thể, tại bút lục 561 ngày 24.10.2013, Tường khai: “Tôi dùng khoảng 11 ống hút xi lanh và hút được khoảng 300ml mỡ tự thân của chị Huyền. Khi hút mỡ tự thân thì trong đó có cả một lượng dịch gây tê và mỡ. Sau khi để ống xi lanh khoảng 5 phút thì phần mỡ nổi lên, phần thuốc tê lắng xuống dưới, tôi bơm phần có thuốc tê ra ngoài, giữ lại phần mỡ tự thân trong ống xi lanh, tiếp theo tôi dùng phần mỡ tự thân trong ống hút xi lanh bơm vào 2 ngực của chị Huyền. Hết ống này lại bơm ống khác”.
Không chỉ dừng lại ở đó, bác sĩ Tường còn thể hiện sự coi thường tính mạng người khác khi cố tình thực hiện các thủ thuật phẫu thuật trong tình trạng chị Huyền co giật, biến chứng.
Ngay khi bắt đầu tiến hành phẫu thuật, khi mới thử thuốc tê cũng như khi mới bơm được 1-2 ống tiêm (khoảng 10 phút sau khi bắt đầu phẫu thuật), chị Huyền đã có những biểu hiện co giật, sùi bọt mép, người cứng lại…
Trong trường hợp hợp này, về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp, bác sĩ Tường buộc phải dừng ca phẫu thuật để kiểm tra nguyên nhân và xử lý các biến chứng giúp nhận nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm này, nhưng thay vì làm việc đó, Tường lại cố tình thực hiện các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ trên thân thể chị Huyền bằng cách rút ngắn thời gian phẫu thuật từ khoảng 4 tiếng xuống còn khoảng 2 tiếng, liên tục tiêm thuốc Diazepam (thuốc ngủ) và Dimedzon (thuốc chống nôn) mỗi khi chị Huyền lên cơn co giật, cho người giữ đầu, giữ tay chân, đặt gạc vào miệng chị Huyền để nhằm mục đích tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật. Điều này được thể hiện rất rõ qua các lời khai của các y tá tham gia ê kíp phẫu thuật…