Dân Việt

Hà Nội cấm dạy thêm ở tiểu học: Bắt cóc bỏ đĩa

19/04/2011 10:05 GMT+7
(Dân Việt) - Sở GDĐT Hà Nội vừa ra quy định cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Việc Hà Nội phải ban hành một quy định nêu lại vấn đề cũ đủ chứng minh cho sự sôi động của "thị trường" này.

Thiên biến vạn hóa học thêm

img

Giờ giải lao của học sinh Trường Tiểu học Xuân Đỉnh (Hà Nội).

Hết giờ học buổi chiều, bé Ngân học sinh lớp 4 Trường Tiểu học N.T, quận Cầu Giấy lại cặm cụi đến nhà cô học thêm đến tận 7 giờ tối, mỗi tuần 3 buổi, vào các ngày thứ 2, 4 và 6.

Ở trong lớp, Ngân là một trong những em nổi trội, dẫn đầu về lực học. Phần vì thấy con học khá, phần vì muốn con được thoải mái nên năm lớp 1, lớp 2, chị Thắm - mẹ Ngân không cho bé đi học thêm. Cũng vì không đi học thêm nên mặc dù ở lớp bé học tốt hơn các bạn, nhưng khi kiểm tra, điểm lại thấp, vì đề cô ra là dạng bài cô đã cho các bạn làm ở lớp học thêm. Sang năm lớp 3, chị Thắm đành cho con "cắp tráp" theo các bạn trong lớp chiều chiều đến nhà cô. "Mỗi tháng nộp học phí 1 triệu đồng, coi như thời gian đó con làm bài tập luôn, về nhà đỡ phải làm" - chị Thắm thở dài nói.

Khác với chị Thắm, chị Thảo cho con đi học thêm ở nhà cô ngay từ lớp 1. Năm nay, bé nhà chị đã học lớp 2 ở Trường Tiểu học D.V. Chị cho biết, đi học thêm nhưng cô toàn cho các con học theo kiểu thuộc lòng. Ví dụ, tả người bà thì câu mở đầu bao giờ cũng là bà em năm nay bao nhiêu tuổi. Tả bố, mẹ cũng có phom sẵn, các em chỉ thay tên, tuổi, nghề nghiệp… "Biết là không hiệu quả nhưng cả lớp đi học thêm, chẳng nhẽ riêng con mình ở nhà?" - chị Thảo phân trần.

Không chỉ dạy thêm văn, toán ở nhà riêng, các thầy cô còn liên kết với các trung tâm để chèo kéo học sinh đến học các môn phụ. "Con mình mới lớp 2 mà tuần nào cũng phải đi học kỹ năng sống" - chị Huyền ở quận Hoàng Mai bức xúc.

Còn anh Nguyễn Ngọc Hải ở Hà Đông lại tranh thủ các cuối tuần đưa cậu con trai đang học lớp 2 đến nhà cô luyện chữ vì "chữ cháu không xấu nhưng bị cô chê cứng và viết chậm quá, không theo kịp các bạn trong lớp".

Phụ huynh thỏa hiệp

Năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện khảo sát "Thực trạng một số vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục" tại 3 đô thị lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Kết quả khảo sát khá "thú vị": Có tới 44,2% số học sinh học lực loại giỏi nhưng vẫn ngày ngày đến trường học thêm. Tỷ lệ học sinh giỏi tham gia học thêm các lớp do thầy cô tổ chức riêng lên tới 48,5%. Trung bình mỗi tháng, một học sinh của khu vực thành thị chi gần 500.000 đồng cho học thêm. Thừa nhận tiền học thêm của con khá tốn kém nhưng vẫn có tới gần 82% số phụ huynh cho rằng việc nhà trường và các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm là chuyện bình thường.

Chị Thảo cho biết, chị buộc phải cho con đi học thêm vì ngay từ buổi họp phụ huynh đầu tiên, khi con học lớp 1, gần như tất cả các phụ huynh trong lớp đều đề nghị cô dạy thêm. Không cho con đi học thì sợ con bị cô trù úm, điểm thi không cao. Dù không quan tâm tới điểm số như chị Thảo, nhưng theo anh Hải, "không cho con đi học thêm, sợ con thấy bị điểm thấp lại không tự tin".

Chính những lo lắng này đã dẫn đến thái độ thỏa hiệp của phụ huynh. Trên diễn đàn webtretho, vấn đề có nên cho con đi học thêm ngay từ bậc tiểu học hay không cũng được đưa ra bàn luận với hàng trăm ý kiến phản hồi. Nhìn chung, các phụ huynh đều không đồng tình với việc cho con đi học thêm, nhưng rất ít người dám từ chối.

Theo ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), chính phụ huynh đã góp phần thúc đẩy tiêu cực trong giáo dục. Cùng quan điểm này, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ: "Phụ huynh vẫn sẵn sàng trích ra một phần kinh tế để chi trả cho con học. Chính cách suy nghĩ và hành động này đã làm trầm trọng hơn tình trạng tham nhũng trong giáo dục".

Nhìn ở góc độ người trong cuộc, anh Nguyễn Ngọc Hải cho rằng, lệnh cấm đã có nhưng không có chế tài xử phạt, trong khi phụ huynh lại quá lo lắng cho con nên chấp nhận. Quy định này vì thế chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa, cấm hình thức này sẽ "mọc" ra hình thức khác.