Dân Việt

Liên kết “4 nhà” còn lỏng lẻo

19/04/2011 20:54 GMT+7
(Dân Việt) - Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) đã giải quyết một phần "cơn khát" học nghề cho các lao động nông thôn. Tuy nhiên, do sự liên kết thiếu chặt chẽ giữa "4 nhà", khiến lao động học nghề còn "tắc" đầu ra...

Sau hơn một năm triển khai Đề án 1956, công tác tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng chưa tìm được… "tiếng nói chung" nên các trường dạy nghề vẫn khó tuyển sinh và doanh nghiệp tuyển dụng cũng e dè…

Học chưa đi với hành

img

Giờ học thực hành lớp sửa chữa ô tô ở Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân.

Theo ông Nguyễn Văn Tửu - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề (TTDN) Thanh Xuân, Hà Nội, nguyên nhân khó tuyển sinh đào tạo nghề là do "4 nhà" (Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và nhà nông) chưa thực sự gắn kết với nhau.

Hơn nữa đa số lao động trình độ văn hoá thấp, nên tiếp thu "nghề mới" rất chậm. Một số địa phương, do không nắm rõ nhu cầu và đầu ra các nghề do trường của địa phương đào tạo, nên nhiều lao động ra trường không có việc làm. Bên cạnh đó, do thiếu cơ sở vật chất trong dạy và thực hành, nên "học chưa đi đôi với hành", thực hành kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", khiến học viên yếu tay nghề ra trường lao động rất khó xin việc. "Bằng cấp chỉ là thứ yếu, quan trọng là phải làm được việc, nghề sửa chữa ô tô "tay nghề" là quan trọng nhất. Nhiều khi mình buộc phải tuyển lao động không có bằng cấp, nhưng làm được việc" - anh Lê Huy Hoàng - chủ gara ô tô trên đường Giải Phóng (Hà Nội) chia sẻ.

Nhiều nghề có cơ hội tìm việc

img Chính quyền địa phương cần tìm hiểu kỹ nhu cầu học nghề của người dân và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn theo từng nghề, nhóm nghề để tư vấn, mở các khóa đào tạo linh hoạt về hình thức, thời gian học. img

Theo Đề án 1956, các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn (LĐNT) rất đa dạng. Ngoài chăn nuôi, trồng trọt, nghề được LĐNT chọn nhiều nhất là cơ khí, điện tử, sửa chữa ô tô… Đây là những nghề khó học, thời gian đào tạo dài (từ 8 - 12 tháng), nhưng hiện đang là nghề "nóng" và theo các học viên đây là nghề có tương lai, bởi nước ta đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, số lượng ô tô ngày càng nhiều…

Ông Tửu cho biết, TTDN Thanh Xuân hiện dạy 6 nghề cơ bản: Cơ khí, điện tử, sửa chữa ô tô, may mặc… mỗi năm đào tạo khoảng 4.000 học viên. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, trung tâm thường xuyên bồi dưỡng cho giáo viên và đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ cho thực hành. Anh Trần Văn Thịnh-giáo viên dạy sửa chữa ô tô ở Trung tâm Thanh Xuân cho biết: "Nghề này học khó và đòi hỏi phải có sức khỏe, nên học viên phải có niềm đam mê, giỏi nghề thì có rất nhiều cơ hội việc làm". Hiện trung tâm đang liên kết với các nhà máy, doanh nghiệp để học viên thực hành. Sau khi ra trường, học viên đạt loại khá, giỏi sẽ được trung tâm giới thiệu việc làm, nên đã tạo sự yên tâm cho học viên học nghề.

Anh Bùi Đình Linh, 25 tuổi, quê ở Hoa Nam (Đông Hưng, Thái Bình) đang học nghề sửa chữa ô tô, tâm sự: "Em học hết THPT, gia đình khó khăn nên em không học cao lên nữa. Sau khi nghỉ học, em chạy xe ôm, dồn tiền để học nghề. Cũng may em được Đề án 1956 hỗ trợ học nghề. Hai tháng nữa ra trường, em vào làm gara ô tô với anh họ ở khu Nam Thăng Long (Hà Nội)".

Cũng như Linh, anh Hoàng Văn Chiên, 23 tuổi, ở Lục Ngạn (Bắc Giang) chọn học nghề điện tử để lập nghiệp. "Theo anh Chiên, không nhất thiết phải học đại học mới có công việc và thu nhập ổn định. Nếu có tay nghề, mình chưa có điều kiện mở xưởng, đi làm công cũng được 3- 4 triệu đồng/tháng. Khi thạo nghề, có vốn mở xưởng cũng chưa muộn!".