Ông Nguyễn Tấn Ý (44 tuổi), người có thâm niên 30 năm trong nghề nói: Thời gian gần đây, ngư dân Quảng Ngãi đã mạnh dạn đầu tư nhiều tỷ đồng đóng tàu cá công suất từ 400-800CV để đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong 2 tháng qua, cơ sở đã hạ thủy trên 10 chiếc 400-700CV. 25 chiếc đang nằm trên bãi này, không có chiếc nào dưới 450CV. Trong đó chiếc lớn nhất của một ngư dân tên Mỹ, người ở Nghĩa Phú, dài 24m, công suất trên 800CV, trị giá 3 tỷ đồng. Ngư dân Nguyễn Bốn (42 tuổi, ở xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi) đang đóng mới chiếc tàu cá công suất 600CV, trị giá 2 tỷ đồng, tâm sự: Đóng tàu công suất lớn tuy tiền đầu tư nhiều, nhưng phương tiện to lớn thì khai thác sẽ nhiều thuận lợi hơn, như thời gian hoạt động trên biển lâu; lượng cá sẽ chở được nhiều hơn; khi rủi ro gặp gió bão cũng sẽ chịu đựng tốt hơn...
Các cơ sở đóng tàu khác ở Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn... thì đa số tàu cá đóng mới hiện nay toàn từ 400CV trở lên. Không những đóng tàu to, máy lớn, mua sắm trang thiết bị hiện đại (máy quét, máy dò, định vị... cả tỷ đồng), tàu cá thế hệ mới của ngư dân Quảng Ngãi còn được bọc sắt, thép xung quanh thành tàu.
Anh Nguyễn Văn Hải, thợ đóng tàu ở cơ sở Nghĩa Phú khẳng định: Tùy theo yêu cầu của chủ, mà việc sử dụng loại sắt thép bọc có độ dày, dài ngắn khác nhau. Ở Nghĩa Phú, bọc tàu là thép, sắt tấm có độ dày từ 3-6mm, được cắt thành từng miếng có kích thước 20-40 x 30-80cm. Sắt thép được gập lại thành chữ L và áp vào phía trên thành tàu, sau đó khoan vít chặt vào thành tàu, hàn dính lại với nhau. Phần đuôi tàu thì dùng loại dày hơn. Số tiền để bọc sắt thép từ vài chục đến trên 100 triệu đồng/chiếc. Nói về công dụng của việc bọc sắt, một chủ tàu cho biết bọc sắt giúp con tàu vững chắc, chịu đựng tốt hơn khi gặp gió bão, va chạm, nhất là thoát khỏi bị tàu Trung Quốc đâm chìm.