Và cũng ngay từ rất sớm sân cỏ Brasil đã cho thấy những bất ngờ đến kinh ngạc trong các cuộc so tài, khi có những trận kết thúc với tỷ số thắng thua không ai có thể ngờ tới.
Tây Ban Nha thất thủ trước Hà Lan với tỷ số 1-5. Choáng! Costa Rica thắng Uruguay 3-1. Càng choáng! Những cú choáng say người, khiến người xem bật tràn cảm xúc.
Trái bóng ấy đã được Joel Campbell, cầu thủ Costa Rica, biến thành trái bóng bầu khi anh ghi bàn vào lưới Uruguay gỡ hòa cho đội mình, mở đầu cho kỳ tích của đội bóng đến từ trung Mỹ. Anh ăn mừng bàn thắng bằng cách nhặt trái bóng lên, cho vào trong áo đấu, ôm trước bụng như một phụ nữ mang bầu và nhảy múa vui mừng cùng đồng đội. Tôi xúc động trước cảnh đó.
Trái bóng bầu đó là niềm vui lớn lao của một cầu thủ ghi được bàn thắng quan trọng cho đội nhà. Hơn thế, bóng bầu còn mang chở cả niềm khát vọng lớn lao, căng đầy của một đội tuyển, một quốc gia muốn chứng tỏ mình, muốn đạt tới những tầm cao mới, trong thể thao, trong cuộc sống.
Ở bảng D, cùng với các đội Anh, Italia, Uruguay, đội Costa Rica bị coi là kẻ “lót đường” cho ba đội kia. Nhưng thực tế sân cỏ cùng trái bóng tròn luôn chứa đựng những bất ngờ, những không tưởng có thật. Uruguay, đội đã từng vô địch thế giới, đội đã ghi được bàn thắng đầu trong trận đấu lần này, rốt cuộc đã bị thua tâm phục, khẩu phục trước những chàng trai Costa Rica.
Trái bóng tròn mang hình Trái đất. Cái bụng bầu của người mẹ chính là Trái đất để sinh nở, sáng tạo ra những hình vóc mới, giá trị mới. Nó là vũ trụ, là cuộc đời. Trái bóng bầu của Joel Campbell là ấp ủ ước mơ, là nở trào hạnh phúc, là tuôn chảy sức mạnh. Có lẽ đó là cách ăn mừng anh dành cho người thân trong gia đình. Tôi không biết chắc, nhưng tôi cảm nhận được niềm vui sướng vô bờ của anh, tôi rung động cùng anh, tôi muốn được mình như trái bóng Brazuca ấy trong vòng tay ôm của anh, thành “bóng bầu”, để làm vỡ òa niềm vui cho cả một đất nước, một quốc gia.
Đến bao giờ đội tuyển bóng đá Việt Nam đem lại được cho khán giả nhà những “bóng bầu” như vậy trên sân cỏ thế giới?