Nỗi lo thường trực...
Theo UBND TP.Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn hơn 1.000 điểm vi phạm hành lang ATLĐ cao áp. Trước mùa nắng nóng và mưa bão 2014, EVN HANOI đã tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động người dân có ý thức tự giác hơn trong việc bảo vệ an toàn hành lang cho lưới điện, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp và các ngành chức năng, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm kéo dài, đe dọa ATLĐ. Trong 5 tháng đầu năm 2014, ngành điện thủ đô đã giảm được 114 vụ vi phạm và không để phát sinh các vụ vi phạm mới.
Tuy nhiên, toàn TP.Hà Nội vẫn ghi nhận 60 sự cố trên lưới điện, mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân vi phạm hành lang bảo vệ ATLĐ cao áp gây nên. Trong đó, do đào vào cáp là 4 vụ; 3 vụ do thả bóng bay và 19 vụ do thả diều vướng vào đường dây cao áp...
Theo ông Đinh Tuấn Dũng - Phó ban An toàn EVN HANOI, các vi phạm thường xảy ra đột xuất, gây sự cố cho lưới điện và mất an toàn điện cho người dân trong khu vực. Ngành điện phải mất rất nhiều kinh phí và thời gian để khắc phục, nỗ lực ngăn chặn các sự cố gây mất điện trên diện rộng và kéo dài. Một trạm biến áp 110kV, 220kV cấp điện cho vài quận, khi trạm nào có sự cố thì 1-2 quận sẽ bị mất điện diện rộng và phải mất quá nhiều kinh phí để khắc phục hậu quả.
Thực tế, chỉ một sự vô ý khi cải tạo mương thoát nước, có đơn vị thi công đã đóng cọc vào cáp ngầm làm mất điện 46 trạm biến áp trên địa bàn Hà Nội. Ngày 26.4.2014, khi thi công công trình cải tạo mương thoát nước lưu vực sông Kim Ngưu, Công ty TNHH Thành Đạt đã đóng cọc vào cáp ngầm 24kV lộ 480 E1.3 làm toàn bộ khu vực Vĩnh Tuy và một số trạm thuộc quận Hoàng Mai mất điện, ảnh hưởng tới gần 5.000 hộ dân trên địa bàn 2 quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai.
Có thể thấy, việc mất ATLĐ cao áp vẫn là phổ biến và công tác bảo vệ, ngăn ngừa các sự cố mất điện vẫn đang gặp nhiều vấn đề. Tình trạng vi phạm lấn chiếm hành lang ATLĐ diễn ra khá tràn lan. Nhiều nơi, người dân đã tự ý biến chân cột đường dây 110kV...v ới lều bạt để kinh doanh. Một số gia đình còn cơi nới nhà ở, treo biển quảng cáo, vi phạm khoảng cách an toàn của đường dây, bất chấp hiểm họa.
Nâng cao ý thức người dân
Thực tế, với khối lượng quản lý lớn, địa bàn trải rộng khắp và đan xen trong các khu dân cư đông đúc nên điện lực Hà Nội gặp không ít khó khăn, trở ngại trong việc kiểm tra, kiểm soát các trường hợp vi phạm hành lang ATLĐ.
Ông Hoàng Đăng Ninh - Phó Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế TP.Hà Nội cho biết, cái khó khi giải quyết những trường hợp vi phạm hành lang ATLĐ là thái độ và ý thức của người dân còn kém, dù biết việc vi phạm này có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng nhưng vẫn cố tình làm.
Theo ông Ninh, nếu các cơ quan chức năng cứng rắn răn đe, lập biên bản, xử phạt... thì người dân sẽ ý thức hơn trong việc thực hiện đúng quy định về hành lang ATLĐ. Giải pháp cơ bản hiện nay của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội là chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra, không để phát sinh các vi phạm mới.
Để từng bước giải quyết những điểm vi phạm hành lang ATLĐ cao áp và không để xảy ra sự cố cho lưới điện, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các quy định của thành phố về xử lý công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ ATLĐ cao áp.
UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của lưới điện cao áp các quy định về hành lang bảo vệ ATLĐ cao áp. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch và tổ chức hướng dẫn việc thực hiện xử lý vi phạm hành lang bảo vệ ATLĐ cao áp năm 2014 của thành phố, phấn đấu giảm tối thiểu 30% số điểm vi phạm tại các địa phương.