Dân Việt

5 chương của mỗi cuộc hôn nhân

16/06/2014 06:20 GMT+7
Dù "mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh" thì cuộc hôn nhân nào cũng đều đi qua những chương có thể dự đoán được như thời kỳ trăng mật, ổn định cuộc sống...

Thời gian mỗi chương xảy ra có thể khác nhau và cách các cặp vợ chồng trải nghiệm qua các giai đoạn này cũng không giống nhau. Mỗi giai đoạn lại có những khó khăn riêng, nếu hiểu biết về từng giai đoạn, bạn sẽ có cách để đưa con thuyền hôn nhân về đích an toàn.

img

Ảnh: Shutterstock

Chương 1: Tuần trăng mật thiên đường

Thường năm đầu tiên hoặc hai, ba năm sau ngày cưới (tùy thuộc vào sự xuất hiện của đứa con đầu lòng cũng như hai bạn có sống thử hay không) là giai đoạn hai người đầy ắp sự đam mê dành cho nhau. Cả hai lúc nào cũng muốn song hành bên nhau và luôn làm mọi cách để thu hút, hấp dẫn người kia.

Bởi giai đoạn này tràn ngập tình yêu với những ham muốn, sự ngưỡng mộ và lãng mạn, bạn nên khôn ngoan củng cố tình cảm đôi lứa cả bên ngoài phòng ngủ. Bạn là ai trong tư cách một cặp vợ chồng? Bạn muốn tập trung cho sự nghiệp trong vài năm? Bạn muốn dành thời gian đi du lịch hay tham gia các lớp học? Bạn muốn giành được những bằng cấp cao hơn?... Bạn cũng nên dành thời gian để cùng nhau hình dung về tương lai của cuộc hôn nhân, chẳng hạn khi nào thì sinh con, hoặc vợ chồng có muốn sau này sẽ sống ở nông thôn hay thành phố?

Chương 2: Ổn định cuộc sống

Đây chính là giai đoạn hoàn thành sự nhận biết, bạn biết được những điều mà trước đây bạn không biết (hoặc dễ dàng bỏ qua) về điểm mạnh, điểm yếu, những thói quen cá nhân của người bạn đời. Trong giai đoạn hậu trăng mật, tiền có con này, cuộc đấu tranh về quyền lực có thể nảy sinh khi cả hai cùng nỗ lực cho những mục tiêu cá nhân cũng như mục tiêu chung. Đây chính là thời gian để vợ chồng bạn học cách làm việc theo nhóm.

"Khi ánh sáng tình yêu dần lu mờ và sự thật được phơi bày rõ hơn, bạn cần bình tĩnh xem xét liệu có yếu tố nguy hiểm dẫn đến ly dị ở những cặp đôi mới kết hôn hay không", tiến sĩ Beverly Hyman, đồng tác giả của cuốn sách How to Know If It’s Time to Go: A 10-Step Reality Test for Your Marriage khuyên. Sau một thời gian, nhiều cặp vợ chồng phát hiện ra các giá trị và mục tiêu của họ không luôn luôn tương đồng với nhau. Ví dụ một người muốn sinh con, một người thì không, một người muốn dành các ngày chủ nhật bên cha mẹ đẻ của mình, nhưng người kia lại không đồng ý. Do đó, vợ chồng cần phải đạt đến một thỏa thuận chung. Tốt hơn là bạn nên bàn về vấn đề này trước khi quyết định cưới, nhưng nếu bạn chưa làm thì cũng không phải là quá muộn để thảo luận về các chủ đề nóng bỏng như con cái, tiền bạc, đối xử với cha mẹ hai bên... Nếu hai người không thể tìm ra tiếng nói chung thì các bạn nên đến gặp các chuyên gia tâm lý.

Chương 3: Gia đình là trung tâm

Đây là giai đoạn cốt lõi của hôn nhân, là thời gian mà các cặp vợ chồng cùng nhau nuôi dưỡng gia đình của mình, mua nhà, củng cố hay thay đổi công việc, tất cả đều cố gắng giữ một cuộc sống bận rộn bên nhau. Ở đây cũng nảy sinh những nguy cơ khác: Bạn đã sinh một vài đứa con, có những khoản thế chấp cần phải trả - những điều có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ vợ chồng. Nhiều người bắt đầu băn khoăn: “Liệu cuộc sống chỉ là thế này thôi sao”, sau đó một số sẽ trả lời câu hỏi bằng cách ngoại tình hay đòi ly hôn.

Đừng bỏ rơi mối quan hệ vợ chồng của bạn trong vòng xoáy của cuộc sống. “Hãy chú ý sâu sắc đến hôn nhân của bạn”, tiến sĩ Hyman khuyên. "Đừng cho rằng mối quan hệ của vợ chồng bạn vẫn ổn nếu một trong hai người luôn thụ động nghe theo lời người kia. Điều cần thiết để xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững là giao tiếp cởi mở, trung thực và dịu dàng”. Hãy tạo cho mình cơ hội giao tiếp bằng cách thiết lập những thời gian bên nhau hay cùng tắt tivi khi bọn trẻ đã ngủ... để vợ chồng bạn có thể thảo luận về những vấn đề quan trọng (hoặc có sex).

Chương 4: Trở về thời kỳ chỉ có hai người

Một số người gọi đây là thời kỳ “ngôi nhà trống rỗng”, sau khi con cái trưởng thành và đã rời khỏi gia đình. Trong kịch bản tốt nhất, đây là giai đoạn vợ chồng bạn tụ họp lại với nhau. Hai người lại tìm hiểu nhau, đồng thời cùng ôn lại những kỷ niệm cũ và cùng vui vẻ với nhau.

Nếu cuộc hôn nhân của bạn đã vượt được qua những bão tố, đây sẽ là một thời kỳ rất thú vị và đầy niềm vui. Vợ chồng bạn sẽ có những cuộc phiêu lưu mới, cùng nhau học những điều mới và cùng tự hào về những thành tích của mình, như lịch sử bên nhau hay sự thành đạt của con cái. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng cũng cảm thấy khó khăn khi ở bên nhau lần nữa mà chẳng còn mục tiêu chung để tập trung vào. Vì thế, bạn nên tìm hiểu những gì bạn có thể làm cùng nhau (như đi du lịch hay tham gia những hoạt động mới như đánh tennis...) cũng như những việc nên làm riêng biệt (chơi một môn thể thao nào đó, hay các lớp học dành cho người lớn...).

Chương 5: Bạn đã thành công

Bạn đã tận hưởng tất cả những ham muốn, sống trong tình yêu và đi qua những hỗn loạn của một cuộc sống gia đình, dù đối mặt với khó khăn nhưng vẫn không chia tay. Bạn đã đạt đến đích “hoàn thành”, giai đoạn mà dù nghỉ hưu, dù ngôi nhà trống vắng nhưng bạn vẫn hạnh phúc bên nhau và sẽ duy trì đến hết đời.

Tiếp tục thể hiện tình yêu và sự quan tâm quan tâm lẫn nhau. Hãy nhớ rằng, nếu bạn vẫn là một cặp vợ chồng đầy yêu thương và hòa hợp, ngôi nhà sẽ không hề trống trải. Con cái và các cháu nội, ngoại của bạn sẽ rất thích trở lại ngôi nhà hạnh phúc này.

Sự bùng nổ ở bất kỳ thời gian nào

Đây là một giai đoạn ít riêng biệt hơn những giai đoạn khác bởi vì nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong cuộc hôn nhân. Đó là khi những căng thẳng quá lớn trong cuộc sống đã phá hỏng mục tiêu sống cùng nhau của hai người, như vấn đề về sinh sản, cái chết của một thành viên trong gia đình, bệnh nặng hoặc thất nghiệp dẫn đến những biến động về kinh tế nghiêm trọng.

Nên tìm kiếm sự hỗ trợ cho từng người hoặc cho cả hai tùy thuộc vào tình hình. Hãy nhờ đến sự giúp đỡ và lời khuyên từ bạn bè, các thành viên khác trong gia đình, các nhà trị liệu chuyên nghiệp hay tôn giáo... Chú ý đến sức khỏe thể chất, tâm thần và sự thoải mái của bạn. Có thể sẽ phải ly hôn nếu bạn cảm thấy một trong hai đã bế tắc với những gì mình muốn từ hôn nhân. Tiến sĩ Hyman khuyên vợ chồng bạn nên cẩn thận, tự hỏi mình những câu hỏi quan trọng như: Hôn nhân khiến bạn bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc? Liệu sự bất hạnh có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm thần của bạn không? Bạn lo sợ về điều gì khi chia tay? Bạn đã quá mệt mỏi với các biện pháp để gìn giữ hôn nhân? Với tất cả những câu hỏi này, chỉ có chính vợ chồng bạn mới có thể trả lời chính xác.