Dân Việt

Đề xuất bổ sung tội danh làm giàu bất chính: Không chỉ áp dụng với quan chức

Lương Kết (thực hiện) 16/06/2014 07:09 GMT+7
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11.6, trả lời câu hỏi của ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, một trong những định hướng lớn khi sửa đổi Bộ luật Hình sự là bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp. PV NTNN đã trao đổi với ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Ủy ban Tư pháp - về vấn đề này.

Việc bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp khi không chứng minh được nguồn tài sản phải chăng là biện pháp mạnh mẽ góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), thưa ông?

- Tôi cho rằng đây là biện pháp rất tốt, những người không chứng minh được họ có những hành vi tham ô, hối lộ mà tự nhiên lại có khối tài sản lớn, nếu anh không giải trình được vì sao mà có thì chắn chắn trong quá trình công tác đã có khuất tất. Ở các nước người ta quy định thẳng luôn tội làm giàu bất hợp pháp.

Như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc chứng minh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Quy định như vậy sẽ răn đe được nhiều người, rằng anh không thể dùng quyền chức để chiếm đoạt tài sản, sau đó cất giấu đi, khi về hưu xây dựng biệt thự, sống hoành tráng. Khi bắt đầu công tác anh khai lý lịch là con bần nông, tài sản không có gì mà tự nhiên qua mấy chục năm công tác lại có khối tài sản lớn thì nó ở đâu ra, thừa kế thì không có, kinh doanh, sản xuất thì không, chỉ có làm giàu bất chính bằng con đường quyền lực.

Pháp luật quy định như vậy là rất tốt nhưng đối tượng làm giàu bất chính thường ít khi phô trương mà âm thầm cất giữ khối tài sản lớn. Vậy quy định trên vẫn nhiều khả năng sẽ bị "lách" thưa ông?

"Khi bắt đầu công tác anh khai lý lịch là con bần nông, tài sản không có gì mà tự nhiên qua mấy chục năm công tác lại có khối tài sản lớn thì nó ở đâu ra, thừa kế thì không có, kinh doanh, sản xuất thì không, chỉ có làm giàu bất chính bằng con đường quyền lực”.
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM)
- Mỗi một quy định chỉ góp phần giải quyết một khía cạnh vấn đề thôi chứ không phải giải quyết được tất cả. Trong tham nhũng có rất loại nhiều tội, như tham ô, hối lộ... Tuy nhiên, theo thói thường người ta giấu mãi rồi cũng có lúc bộc lộ ra, cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra. Cuộc sống ai chẳng muốn nhà cao cửa rộng, đi xe ô tô xịn, chẳng mấy ai tham ô tài sản về lại mặc áo rách cả đâu.

Trong xã hội không chỉ có quan chức mà người dân cũng có thể làm giàu bất chính. Quy định trên nếu xây dựng phải áp dụng mọi đối tượng thưa ông?

- Đúng vậy, đối tượng chủ thể mà quy định này áp dụng cần phải phủ rộng, kể cả người dân, bởi họ cũng có thể làm giàu bằng cách đi buôn lậu, buôn ma túy, trộm cắp, các hoạt động bất hợp pháp khác như rửa tiền... Luật ra đời là góp phần ngăn ngừa phạm tội nói chung trong xã hội chứ không phải chỉ tập trung vào đối tượng có chức có quyền. Như thế luật mới lâu bền.

Xin cảm ơn ông!

ĐB Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu nhiên & nhi đồng): Cảnh tỉnh những kẻ làm giàu bất chính

Nếu quy định xử lý tội danh tham nhũng thấy chưa đủ, phải bổ sung thêm quy định như việc có tài sản lớn không chứng minh được thì cũng bị xử lý. Còn không chứng minh được thì rõ ràng đó là tài sản bất minh, do đó có thể thu hồi hoặc xử lý.

Không phải bây giờ mà trước đây chúng ta cũng đã có việc thu hồi tài sản là những ngôi nhà bất minh. Tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển, mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, không có cái gì nằm ngoài pháp luật. Chính vì thế cũng đừng cực đoan mà dùng luật để thu hồi hoặc xử lý tất cả, có thể dẫn đến việc xử lý oan.

Luật ra đời một mặt vừa phải ủng hộ người làm giàu chính đáng, bên cạnh đó phải nghiêm khắc cảnh tỉnh những kẻ làm giàu bất minh. Phải cân nhắc, so sánh các điều luật mới với những điều luật hiện hành xem có tiến bộ gì hơn. Trên cơ sở đó có thể đưa vào Bộ luật Hình sự. Mình phải có con mắt "động", một mặt động viên những người làm giàu chính đáng bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ, một mặt không dung thứ kẻ lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt tài sản của người khác hay của nhà nước.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): Hay nhưng khó làm

Ý tưởng như Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói trước Quốc hội là tốt nhưng trong điều kiện của Việt Nam hiện nay thực hiện là khó. Thứ nhất nền kinh tế của chúng ta chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, thành ra việc chứng minh tài sản trên cơ sở toàn bộ giao dịch bằng tiền mặt là khó. Đến nay ngay cả tiền đến ngân hàng cũng không phải chứng minh nguồn gốc.

Ý tưởng tốt nhưng điều kiện của chúng ta làm cần cả một quá trình, không phải dễ, nhất là ra toàn xã hội, bởi luật thì cần áp dụng chung chứ phải chỉ một bộ phận riêng lẻ. Còn hiện nay riêng với quan chức, chưa phải tội hình sự mà có những thông tin rằng người đó có tài sản lớn thì cơ quan quản lý, cơ quan chức năng phải kiểm tra, chứng minh để họ giải trình tại sao có khối tài sản đó.

Ngọc Lương (ghi)

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn LS Hà Nội) - Cty luật Thiên Thanh: Cần làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm

Các tội phạm về chức vụ quyền hạn trong Luật đã có, trước tình hình Đảng và Chính phủ quyết liệt chống tham nhũng như hiện nay tôi cho rằng việc cụ thể hoá các cam kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết gia nhập là việc cần được xem xét ở mức độ cao hơn, thấu đáo hơn.

Chẳng hạn như tội phạm công nghệ cao, tội phạm có tổ chức đa quốc gia, tội rửa tiền… Và lúc này quan trọng nhất là hoàn thiện cơ chế phối hợp, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, của các khâu thi hành pháp luật. Để pháp luật được thực thi, bản án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành một cách cao nhất. Đó chính là thượng tôn pháp luật. Nếu yếu tố này được thay đổi cả về chất và lượng, việc phải bổ sung các luật hình sự các tội chống tham nhũng là chưa cần thiết.

Về đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tôi cho rằng, Ban soạn thảo cần làm rõ được các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: Chủ thể, khách thể, chủ quan và khách quan của tội phạm “Làm giàu bất hợp pháp” để không chồng chéo, xâm lấn đến các Điều luật khác hiện có trong Bộ luật Hình sự. Làm được rõ những yếu tố này sẽ tránh được câu chuyện lạm quyền và tránh tâm lý của người dân lo sợ khái niệm quốc hữu hoá tài sản. Làm giàu bất hợp pháp là một khái niệm có vẻ rất rõ ràng, nhưng nhìn kỹ thì khái niệm này lẩn quất các điều luật liên quan đến xâm phạm sở hữu, đến tội về chức vụ. Vậy tôi chỉ xin được bàn trong phạm vi PCTN, xin đưa một ví dụ:

Thống kê của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy trong năm 2011 chỉ phát hiện hai trường hợp được xác định kê khai không trung thực và năm 2012 là ba trường hợp. Từ năm 2013 đến nay, có khoảng 3000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, có 88 cán bộ bị xử lý bằng các hình thức, do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản. Nếu nhìn vào những con số tăng thêm qua các thời điểm đã phản ánh thực chất của vấn đề hay chưa? Tôi khẳng định là chưa. Thực chất thì số liệu của TTCP rất có ý nghĩa trong việc lập báo cáo liên quan đến việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức để trình lên Chính phủ và Quốc hội và cung cấp số liệu cho báo chí để số liệu đó đến được với người dân, để “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”.

Tuy nhiên, với vai trò là một luật sư thì tôi lại quan tâm đến một góc độ khác. Theo số liệu thống kê của TAND Tối cao, trong 5 năm (2009 - 2013) và 6 tháng tính từ quý IV năm 2013, đến quý I năm 2014 (1.10.2013-31.3.2014), các tòa án đã thụ lý sơ thẩm tổng số 2.041 vụ án/5.120 bị cáo bị truy tố về các tội phạm tham nhũng, đã xét xử được 1.405 vụ/3.129 bị cáo, đạt bình quân hàng năm là 69% số vụ và 61% số bị cáo. Trong tổng số các vụ án tham nhũng, tội “Tham ô tài sản” chiếm tỷ lệ cao nhất với 48% số vụ và 43,1% số bị cáo; tiếp đến là các tội “Nhận hối lộ”; “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”... Vấn đề đặt ra là tại sao chỉ có 2 người kê khai không trung thực trong năm 2011 và từ năm 2012 đến nay chỉ có 3003 người kê khai không trung thực mà lại có tới 2.041 vụ án và 5.120 bị cáo bị truy tố về các tội tham nhũng?

Liệu có thể coi “làm giàu bất hợp pháp” đã, đang diễn ra rất sôi động?

Thắng Quang (ghi)