Lâu nay, tình trạng trộm chó xảy ra thường xuyên ở các vùng nông thôn. Nhiều vụ án cố ý gây thương tích, thậm chí án giết người cũng từ trộm chó mà ra. Từ trước đến nay, có nhiều vụ người trộm chó bị dân làng đánh chết rất thê thảm. Có vụ xe cứu thương vào tận nơi chở nạn nhân đi nhưng dân chúng ngăn cản quyết không cho xe chạy, mặc dù có công an đến can thiệp.
Ngày 28.3 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 10 bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” trong vụ án cả làng đánh chết 2 nghi phạm trộm chó xảy ra hồi tháng 8.2012. Tòa tuyên phạt các bị cáo từ 2-3 năm tù, và sau đó 68 người viết đơn tự thú có tham gia đánh người trộm chó đến chết và xin giảm án cho các bị cáo, nếu không thì cả làng xin ngồi tù.
Câu chuyện cả làng xin ngồi tù cho thấy người dân nhận thức rằng, việc đánh chết kẻ trộm chó đối với họ là việc đương nhiên, không xấu hổ, không ân hận, không cho rằng mình đã có hành vi phạm pháp. Tại sao người dân lương thiện lại hồn nhiên (xin) phạm tội như vậy?
Nguyên nhân từ những kẻ trộm chó. Họ không chỉ ăn trộm, được thì có ăn, không được thì chịu bị bắt. Trộm chó mang theo hung khí, hành động hung hãn, sẵn sàng chống trả, tấn công dân làng nếu bị phát hiện. Có nhiều trường hợp trộm chó đánh cho người dân bị thương nặng. Vừa mất chó, vừa bị đánh, người dân ngày càng thù kẻ trộm chó, nên khi bắt được, họ trút hết cơn giận dữ bằng đấm đá...
Từ những vụ trộm chó bị đánh chết, mâu thuẫn giữa hai bên càng gay gắt. Những kẻ trộm chó biết rằng khi bị dân phát hiện, vây bắt, thì phải chống trả đến cùng để thoát thân, bởi vì nếu bị bắt thì chỉ có con đường chết. Trước sau cũng chết, nên họ chọn con đường hung hãn nhất. Và vụ chống trả vụ truy bắt bằng súng xung điện, dẫn tới cái chết của 3 thanh niên ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM vừa qua là một ví dụ.
Đã từng có nhiều bài viết phân tích thấu đáo rằng, người dân không thể vì con chó mà đoạt mạng một con người, người dân không thể nhân danh cá nhân hay nhóm người để xử tử hình một con người. Lý thuyết là vậy, nhưng đời sống lại có lý lẽ riêng của nó, và thực tế cho thấy ngày càng nhiều án mạng liên quan đến trộm chó mà pháp luật, cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu.
Đã đến lúc phải hành động ngăn chặn án mạng trộm chó thay vì báo động như từ trước đến nay. Làm thế nào để ngăn chặn nó thuộc trách nhiệm của chính quyền. Không thể để tồn tại trong xã hội có nền văn minh pháp luật những ứng xử hoang dã như với nhiều vụ trộm chó.