Được biết anh đang khẩn trương hoàn thành bộ phim “Ngoại tình”, một bộ phim mà anh nói rất tâm đắc và cũng là một đề tài gây rất nhiều tò mò cho khán giả. Anh có thể chia sẻ thông tin về bộ phim?
- Bộ phim “Ngoại tình” là một câu chuyện về tâm lý gia đình xã hội, một câu chuyện hoàn toàn đơn giản. Hai chữ “ngoại tình” thường được hiểu nặng nề trong suy nghĩ, đánh giá quan điểm của nhiều người, tuy nhiên theo tôi nếu nghĩ nó nặng nề thì sẽ là nặng nề, còn cho nó là đơn giản thì nó sẽ đơn giản. Vì vậy, trong bộ phim này, điều tôi muốn gửi gắm đến mọi người, mong mọi người hiểu hai chữ ngoại tình trong cuộc sống đơn giản như thế nào.
Ngoại tình bao hàm nghĩa rộng, không chỉ hiểu đơn thuần là quan hệ lăng nhăng. Việc ngoại tình vượt khung đôi khi trong cách nghĩ, trong một khoảng trống, khoảng lặng nào đó, người ta nảy sinh tình cảm. Ở đây tôi muốn giải thích với khán giả, cuộc sống nó là như thế, ngoại tình nó là một điều gì đó vô hình len lỏi trong đời sống.
Cốt truyện của phim “Ngoại tình” chỉ là một câu chuyện đơn giản giữa 3 cô bạn gái, với 3 hoàn cảnh khác nhau, tất cả đều là những gia đình sống cơ bản, nhưng trong cuộc sống hàng ngày nhiều thứ đã đổ dồn lên đầu người phụ nữ. Vì vậy, người phụ nữ có cuộc sống héo hon và nhiều ức chế khiến họ trở nên cáu bẳn, gắt gỏng, xấu tính.
Và điều đó khiến anh chồng trở nên chán nản và có cái nhìn không tốt về vợ... Bất cứ gia đình ở Việt Nam cũng sẽ có những lúc thế này, thế khác, sẽ có những câu chuyện như vậy. Và mỗi người nên có sự vị tha, rộng lượng và chia sẻ với nhau.
Tâm đắc với bộ phim “Ngoại tình” là vậy, chắc đến với kịch bản của bộ phim cũng có một cái duyên nào đó đối với anh?
- Đúng rồi, như một cái duyên, tôi biết được kịch bản này từ đạo diễn Thanh Hải và anh Hải lại biết được từ nhà báo Kim Ngân, tác giả kịch bản bộ phim “Ngoại tình”. Khi Kim Ngân đưa kịch bản cho Thanh Hải đọc, anh ấy thấy hay quá và đã chuyển ngay cho tôi. Và tôi đã đọc liền một mạch không nghỉ, bởi sự cuốn hút hấp dẫn của kịch bản. Tôi đã bắt tay vào làm phim luôn mà không cần phải suy nghĩ.
Thường thì phim tâm lý hay sử dụng những cảnh nóng để hấp dẫn khán giả, với “Ngoại tình” thì những “cảnh nóng” lại có đất để khai thác. Vậy trong phim này có nhiều “cảnh nóng” không?
- Với đạo diễn nào tôi không biết, nhưng trong phim này, tôi cố gắng không sử dụng những cảnh nóng. Bởi tôi quan niệm là cảnh nóng khi đưa lên màn hình phải làm sao không gượng gạo, còn đã gượng gạo thì không nên đưa lên.
Mà bạn biết rồi đấy, diễn viên Việt Nam mình chưa thể diễn chuyên nghiệp, thoát khỏi cái bóng sự lo sợ, về những định kiến, phê phán, chê bai. Ngoài ra, cái dở nhất của điện ảnh cũng như truyền hình của mình là đôi khi cứ phải nhồi nhét cảnh nóng vào kịch bản cho dù nó không phù hợp, không đúng chỗ.
Với bộ phim “Ngoại tình” một bộ phim sẽ có nhiều cảnh, đoạn với những diễn biến tâm lý phức tạp. Vậy anh sẽ phải làm thế nào để diễn viên của mình khi diễn không bị mang tính kịch?
- Từ xưa đến nay chúng ta đóng phim truyền hình hay màn ảnh rộng, các diễn viên ào vào diễn, mọi thứ trôi quá nhanh, nên đôi khi giải trình tâm lý của mình bị bỏ quên, và các diễn viên lột tả về tâm lý còn quá kém.
Trong “Ngoại tình” ngoài vấn đề diễn viên thuộc kịch bản, thì người đạo diễn còn phải khơi gợi để họ có thể bám vào tình tiết sự việc. Thứ 2 là diễn viên phải có óc tưởng tượng, nghĩ ra tình huống nếu đặt mình ở vị trí đó thì sẽ thế nào.
Đây cũng là bộ phim được thu âm trực tiếp, nên tôi bắt các diễn viên của mình phải thuộc lời, không được phép sai một từ. Mà khi diễn viên thuộc lời, thì có nghĩa là đã có sự cảm nhận về kịch bản, về câu chuyện. Mà khi cảm nhận được như vậy, chắc chắn khi diễn, họ cũng có cảm xúc rồi.
Xin cảm ơn anh!