Ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL bày tỏ ý kiến xung quanh bài hát “Phiếu bé ngoan” gây xôn xao, bức xúc dư luận, với những lời lẽ tục tĩu gây phản cảm, thiếu văn hóa trên một số website âm nhạc lớn ở Việt Nam những ngày vừa qua.
Là một nhà quản lý văn hóa, ông nghĩ như thế nào khi mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng bức xúc và xôn xao về một ca khúc có những ca từ dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục?
- Có lẽ chưa cần đến người quản lý văn hóa, với một con người có nhận thức bình thường cũng không thể đồng tình được. Một xã hội thường hướng đến chân, thiện, mỹ, vậy thì những điều dung tục, tục tĩu đó không ai có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên để hiểu rõ điều này, theo tôi, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc sâu xa, tại sao lại để xảy ra hiện tượng này, phải chăng có nhiều người muốn phô trương mình bằng cách đưa ra những điều gây sốc với xã hội hiện nay, hoặc là có ý đồ, mục đích gì đó.
>> Gỡ ngay bài hát phản cảm xoay quanh chuyện phòng the
Tôi nghĩ, có sự lệch chuẩn về nhận thức về văn hóa và tôi cũng lấy làm buồn với những người làm trong môi trường văn hóa nghệ thuật thì đáng ra càng cần phải có cái nhận thức đúng đắn về văn hóa.
Là người từng đi nhiều nước, thậm chí sống ở phương Tây, ông thấy các nước đó thế nào, những bài hát mang tính phản cảm, tục tĩu có xuất hiện công khai, rộng rãi trên cộng đồng?
- Tôi đã từng sống ở phương Tây và thấy rằng, dù họ văn minh, đời sống cả về kinh tế lẫn tinh thần ở vượt mình rất xa nhưng những cái văn hóa có thể nói là “ung thối” ấy cũng chỉ là những góc khuất, ẩn dật ở một nơi nào đó rất nhỏ, hẹp, chứ chưa bao giờ lại phổ biến rộng rãi khắp cả cộng đồng.
Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để quản lý chặt hơn vấn đề nhạc “rác”, thảm họa trong âm nhạc?
- Theo tôi, cơ quan chức năng phải vào cuộc, như là Thanh tra, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông, thậm chí cả Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cần vào cuộc để chấn chỉnh, xử lý.
Tuy nhiên theo tôi, vấn đề này, không nên chỉ nói rằng một mình cơ quan quản lý về văn hóa là Bộ VH-TT-DL phải chịu trách nhiệm, mà đây là vấn đề xã hội, của chung của toàn ngành, của các báo, các cơ quan quản lý và của cả cộng động cần chung tay vào góp sức tạo nên một nền âm nhạc trong sạch và lành mạnh.
Nếu không đủ chế tài xử lý, sự việc liệu có rơi vào im lặng và cá nhân ông có muốn làm đến cùng?
- Chính phủ quy định chức năng cho từng bộ, từng ngành, vì thế không được làm không đúng chức trách, sai đến đâu thì xử đến đó.
Nhưng có một điều tôi muốn nói, đối với những người dựa vào công chúng để nổi tiếng, dựa vào công chúng để có nguồn thu, thì biện pháp quay lưng lại của công chúng là hình phạt lớn nhất đối người nghệ sĩ.
Sau này những nghệ sĩ đó đi biểu diễn ở nơi khác, với những ca khúc khác mà nội dung không tục tĩu, thì công chúng vẫn nhìn thấy sự xuyên suốt cả quá trình của người nghệ sĩ đó.
Như vậy thì người nghệ sĩ đó như một người có tì vết, có vết mực đen trong hồ sơ của mình.